Giới thiệu về hệ thống giáo dục bậc cao ở Nhật dành cho những ai đang có ý định đi du học

Ngày nay, giáo dục không chỉ là trang bị kiến thức mà còn là phương tiện để thể hiện sức mạnh của một quốc gia và thu hút nhân tài ở nước ngoài.

Vì hệ thống giáo dục giữa các quốc gia có sự khác nhau nên bài viết này sẽ giới thiệu ngắn gọn về hệ thống giáo dục chung ở Nhật Bản và tập trung vào giáo dục bậc cao ở quốc gia này. Nếu bạn đang cân nhắc việc đi du học ở Nhật Bản, hãy đọc kỹ bài việt này để hiểu rõ hơn về lựa chọn này nhé!

Hệ thống giáo dục ở Nhật Bản

 Đại học Tokyo
MMpai / Shutterstock.com

Hệ thống trường học ở Nhật Bản được chia thành giáo dục tiểu học (6 năm ở trường tiểu học), giáo dục trung học (3 năm ở trường trung học cơ sở và 3 năm ở trường trung học phổ thông) và giáo dục bậc cao.

Mặc dù vẫn có các chương trình du học ở bậc tiểu học và trung học cơ sở nhưng hầu hết mọi người đều quyết định trải nghiệm Nhật Bản và hệ thống giáo dục của Nhật lần đầu tiên ở một cơ sở giáo dục bậc cao hơn. Giáo dục bậc cao có thể ở dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng chúng ta sẽ cùng điểm qua bốn lựa chọn phổ biến như dưới đây: cao đẳng nghề, cao đẳng cộng đồng, đại học và cao học.

Cao đẳng nghề

Tham gia khóa học cao đằng nghề

Được biết đến với tên gọi “senshu gakko” hoặc “senmon gakko” trong tiếng Nhật, thường được biết đến là “trường đào tạo chuyên ngành”, các cơ sở đào tạo này tập trung vào việc phát triển các kỹ năng chuyên môn hoặc kỹ năng thực hành. Để nhập học, bạn cần phải hoàn thành chương trình trung học phổ thông hoặc đã học được hơn nửa năm ở một trường Nhật ngữ. Một số trường cũng sẽ yêu cầu bạn phải thực hiện một bài kiểm tra đầu vào. 

Hầu hết các khoá học ở trường trung cấp nghề kéo dài hai năm. Sau khi hoàn thành khoá học từ 1-3 năm bạn sẽ nhận được bằng tốt nghiệp (“senmon-shi”), sau đó bạn có thể tìm một công việc hoặc học tiếp ở một trường đại học với tư cách là một sinh viên năm thứ ba nếu bạn qua được bài kiểm tra nhập học của trường. Nếu bạn đăng kí và hoàn thành một số khoá học kéo dài 4 năm, bạn có thể nhận được bằng cấp cao hơn (“kodo-senmon-shi”). Điều này tương đương với việc có được bằng cử nhân và bạn có đủ điều kiện để đăng kí vào bất kỳ một trường cao học nào ở Nhật Bản. 

Có ba loại khoá học ở các trường cao đẳng nghề ở Nhật Bản là: khoá học đào tạo nghề trung cấp phổ thông, khoá học trung cấp nghề và khoá học tổng quát.

Các khoá học đào tạo nghề trung cấp phổ thông

Các cơ sở đào tạo nghề trung cấp phổ thông (“koto senshu gakko”) có những khoá đào tạo nghề chuyên môn dành cho những học sinh đã hoàn thành chương trình trung học cơ sở. Khác với dân bản xứ, học sinh quốc tế sẽ được yêu cầu phải hoàn thành chương trình giáo dục 12 năm (hoặc tương đương) ở nước mình để có thể được chấp nhận vào học một trong những khoá học này. Đó là lý do tại sao hầu hết học sinh trung học cơ sở quốc tế không thể đăng ký tham gia loại chương trình đào tạo này. 

Các khoá học trung cấp nghề

Các khoá học trung cấp nghề (“senmon katei”) dành cho những người đã có bằng trung cấp phổ thông trở lên và muốn lấy chứng chỉ nghề nghiệp hoặc muốn có những kỹ năng thực hành hoặc các kỹ năng chuyên nghiệp khác. Các yêu cầu học vấn này áp dụng cho cả người bản xứ và người nước ngoài. Trong số ba loại khoá học cao đẳng nghề thì đây là chương trình học phổ biến nhất đối với sinh viên quốc tế vì hầu hết mọi người không thể đăng kí một chương trình cao đẳng nghề nào khác. 

Các khoá học tổng quát

Các khoá học tổng quát (“ippan katei”) dành cho những sinh viên muốn nâng cao kiến thức và kĩ năng của mình hoặc muốn trau dồi kinh nghiệm để tìm việc trong tương lai. Có nhiều loại trường như trường dạy cắt may, lớp dạy kimono, trường dạy nấu ăn thông thường… Các chương trình học có nội dung khác với hai chương trình học đã được nêu ở trên đều được xếp loại vào các khoá học tổng quát. Các chương trình học này không có giới hạn về độ tuổi hay yêu cầu nhập học, điều này nghe có vẻ rất tuyệt vời nhưng cũng đồng nghĩa với việc không có một mục đích chuyên biệt rõ ràng nào khi tham gia các chương trình học này nên sinh viên quốc tế không thể xin được thị thực sinh viên để học bất kì một khoá học tổng quát nào. Do vậy, các sinh viên quốc tế thường không lựa chọn đăng kí tham gia những chương trình học kiểu này.

Giáo dục bậc cao: Trường đào tạo tổng quán ngành Thời trang Bunka
Morumotto / Shutterstock.com

Theo thống kê của Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT), các trường cao đẳng nghề ở Nhật Bản có khoảng 8.200 chương trình học khác nhau. Đối với những người đã có mục tiêu và kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng, việc theo học loại trường này rất hữu ích cho công việc mai sau cũng như kế hoạch nghề nghiệp trong tương lai. Một số trường cao đẳng nghề kiểu này khá uy tín, phải kể đến Học viện Sushi Tokyo chi nhánh Tsukiji và Học viện thời trang Mode Gakuen ở Shinjuku nổi tiếng đào tạo về thiết kế thời trang và nghệ thuật trang điểm. Sinh viên tốt nghiệp từ các học viện nổi tiếng này thường có tỷ lệ xin việc thành công rất cao vì việc học tại một trường danh tiếng đồng nghĩa với việc bạn đã được đào tạo một cách chuyên nghiệp, đồng thời việc sở hữu một chứng chỉ ngành nghề cụ thể cũng sẽ là một lợi thế lớn dành cho bạn. Do đó, đối với những ai dự định ở lại Nhật Bản làm việc sau khi tốt nghiệp thì đây là sự lựa chọn giáo dục được khuyến khích.

Cao đẳng cộng đồng

Giáo dục bậc cao: Cao đẳng cộng đồng

Theo MEXT, một trường cao đẳng cộng đồng (được gọi là “trường cao đẳng” ở Nhật Bản) là một cơ sở giáo dục bậc cao với chương trình đào tạo tổng quát và giáo dục chuyên biệt trong một khoảng thời gian ngắn. Các trường này là sự kết hợp giữa đại học và cao đẳng nghề. Bạn sẽ nhận được bằng cao đẳng hoặc bằng tốt nghiệp trong một khoảng thời gian ngắn hơn và chi phí thấp hơn khi học ở một trường đại học. 

Cũng giống như trường cao đẳng nghề trung cấp, hầu hết các khoá học ở trường cao đẳng cộng đồng thường kéo dài 2 năm, mặc dù một số chương trình như kỹ thuật y tế hay điều dưỡng có thể kéo dài đến 3 năm. Tuy nhiên, không giống như trước đây, do các trường này đã thực sự được xếp loại vào các tổ chức giáo dục ở bậc đại học nên sinh viên tại đây sẽ tập trung nghiên cứu nhiều hơn. 

So với các trường đại học, các trường cao đẳng cộng đồng có lịch học dày hơn vì các sinh viên tại đây phải học đủ số tín chỉ cần thiết. Nếu bạn có ý định đi làm ngay sau khi tốt nghiệp thì bạn cần phải tìm việc trong vòng 2 năm – đây thực sự là một điều khó khăn vì sinh viên của các trường đại học có thời gian gấp đôi để có thể làm được tất cả những điều trên. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với có nhiều cơ hội thực tập hơn vì các trường cao đẳng cộng đồng hiểu rõ điều này và có những chương trình hướng nghiệp khác nhau giúp sinh viên có thể có nhiều cơ hội việc làm nhất có thể. Do đó, nếu bạn muốn lấy bằng trong thời gian ngắn, chi phí tối thiểu và có ý định đi làm ngay sau khi tốt nghiệp thì trường cao đẳng cộng đồng rất phù hợp dành cho bạn. 

Giáo dục bậc cao: Cổng vào Đại học Osaka Seikei

Một sự thật thú vị về các trường cao đẳng cộng đồng ở Nhật Bản là rất nhiều trường trong số đó hướng đến đối tượng học là nữ – có khoảng 42% trường cao đẳng cộng đồng ở Nhật chỉ nhận sinh viên nữ! Điều này liên quan đến sự phân biệt, khoảng cách về giới tính trong hệ thống giáo dục bậc cao ở Nhật Bản. Trong quá khứ, rất ít phụ nữ được nhận học ở bất kỳ một hình thức giáo dục bậc cao nào nhưng Nhật Bản đã dần hiện đại hóa và mở cửa với nước ngoài, người Nhật nhận ra nữ giới cũng có thể tham gia bậc học cao hơn nhằm nâng cao, cải thiện lực lượng lao động và sự phát triển của quốc gia nói chung. Do đó, các trường cao đẳng cộng đồng đã được thành lập. Ngày nay, nhiều trường cao đẳng cộng đồng cũng được mở riêng cho cả sinh viên nam và con số này ngày càng tăng. Mỗi năm, Nhật Bản luôn đạt được những bước tiến đáng kể trong công tác bình đẳng giới ở mọi khía cạnh của xã hội. 

Giáo dục hệ đại học

Giáo dục bậc cao: Lớp học tại trường đại học
Jsita / Shutterstock.com

Các trường đại học (“daigaku”) ở Nhật Bản thường có chương trình giáo dục đại học kéo dài 4 năm, với mức học phí cao hơn so với các trường cao đẳng cộng đồng và trường dạy nghề, nhưng đồng thời mức hỗ trợ học phí và học bổng cũng cao hơn. Các tiêu chỉ tuyển sinh cũng khắt khe hơn vì bên cạnh yêu cầu về thành tích học tập, hầu hết các trường đại học yêu cầu sinh viên quốc tế phải vượt qua kỳ thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) trình độ N1, và làm bài thi đầu vào đại học Nhật Bản dành cho sinh viên quốc tế (EJU) để có thể được nhận vào trường. Tuy nhiên, các trường đại học tư và các trường mới thành lập thì có nhu cầu cao hơn trong việc tuyển các sinh viên quốc tế nên họ có thể đưa ra các tiêu chí tuyển sinh dễ dàng hơn dành cho sinh viên.

Nếu bạn muốn học ở nước ngoài một thời gian để kiếm tín chỉ cho chương trình đại học tại nước mình, hoặc bạn có thành tích học tập xuất sắc và muốn sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, hoặc muốn thực hiện việc nghiên cứu học thuật của mình tại Nhật thì việc tham gia chương trình giáo dục bậc đại học có thể là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng thời gian làm việc bán thời gian dành cho sinh viên quốc tế sẽ bị hạn chế. Dù hiện nay, ngày càng có nhiều các chương trình đại học đào tạo bằng tiếng Anh nhưng hầu hết các chương trình đại học tại Nhật Bản đều được dạy hoàn toàn bằng tiếng Nhật.

Giáo dục hệ cao học

Các trường cao học (“daigakuin”) cấp bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Đối với bằng thạc sĩ, bạn cần hoàn thành khóa học kéo dài khoảng 2 năm, còn để đạt bằng tiến sĩ, bạn cần phải tốt nghiệp chương trình tiến sĩ kéo dài 3 năm. Phần lớn các chương trình thạc sĩ ở Nhật Bản thường gắn liền với ngành học của sinh viên khi học bậc đại học và có rất ít sinh viên được nhận học thạc sĩ cho một ngành học hoàn toàn khác. Không giống như các chương trình đại học ở Nhật Bản, số lượng các chương trình sau đại học hoàn toàn bằng tiếng Anh phổ biến hơn rất nhiều. Vì thế, nếu bạn không thể tìm thấy chương trình đại học mà mình mong muốn được dạy bằng tiếng Anh ở Nhật Bản, thì bạn có thể xem xét việc học thạc sĩ hoặc làm tiến sĩ bằng tiếng Anh trong ngành học mà mình mong muốn tại Nhật Bản.

Cần nhấn mạnh thêm rằng, bên cạnh các chương trình cao học thông thường, ở Nhật Bản còn có chương trình “sinh viên nghiên cứu” dành cho những người muốn theo học một học kỳ hoặc một năm học mà không cần nhận bằng. Trên thực tế, một số trường đại học quốc gia hàng đầu của Nhật Bản như đại học Tokyo, đại học Kyoto và đại học Osaka đều có luật bất thành văn rằng bạn sẽ phải làm sinh viên nghiên cứu trong thời gian tối thiểu từ 6 tháng tới 1 năm trước khi có thể chính thức trở thành sinh viên cao học. Hãy nhớ nghiên cứu thật kỹ, hỏi thêm những sinh viên cao học quốc tế đã tốt nghiệp để tìm hiểu cách họ được nhận vào trường. Những kiến thức đó vô cùng quan trọng để bạn có thể dành được một vị trí học cao học tại Nhật Bản.

Hãy tiếp tục con đường học vấn tại Nhật Bản thôi nào!

Bây giờ thì bạn đã hiểu hơn về các hệ thống giáo dục bậc cao ở Nhật Bản để có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn xem mình có đi học ở Nhật hay không. Việc du học ở nước ngoài là một cách tuyệt vời để trải nghiệm một quốc gia và nền văn hóa mới. Vì thế, nếu có cơ hội, chúng tôi hi vọng bạn sẽ cân nhắc việc lựa chọn Nhật Bản là điểm đến tiếp tục con đường giá dục của mình.

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: