Quấy rối trong công sở Nhật Bản: Phân loại và giải pháp

yeling boss

Quấy rối trong công sở Nhật Bản đang trở thành vấn đề nhức nhối gần đây. Đó là hành vi làm đối phương cảm thấy khó chịu hoặc gây tổn thương họ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân loại kiểu quấy rối thường gặp ở công sở Nhật Bản và cách đối phó.

Loại hình quấy rối thường gặp trong công sở Nhật Bản

Quấy rối là việc sử dụng lời nói và hành động đối với người khác khiến đối phương cảm thấy khó chịu, bị bất lợi hay đe dọa, hoặc làm tổn thương nhân phẩm của họ, bất kể ý định của người quấy rối là gì. Hành vi quấy rối có thể xảy ra ở bất kì đâu, như nơi làm việc, trường học hoặc gia đình… Những hành vi khiến đối phương cảm thấy không thoải mái, dù không phải chủ đích của người hành động cũng được coi là quấy rối. Đôi khi, bạn có thể vô tình trở thành thủ phạm bất cứ lúc nào nên việc có hiểu biết rõ về hành vi quấy rối là rất quan trọng. Quấy rối được chia thành nhiều loại. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu 4 loại quấy rối cơ bản thường xảy ra ở công sở.

Quấy rối bằng quyền lực (パワーハラスメント)

sếp mắng nhân viên
PIXTA

Đó là hành vi mà người có vị trí cao hơn như người có quyền lực, chức vụ sử dụng vị trí của mình để bắt nạt cấp dưới và gây ra tổn thương về mặt tinh thần, thể chất cho cấp dưới. Đây là loại hình quấy rối phổ biết nhất trong công sở Nhật Bản. Cụ thể là những hành vi như la mắng lớn tiếng, ném đồ vật, giao những công việc quá khả năng có thể thực hiện, đánh giá thấp năng lực và kết quả công việc của đối phương,…

Quấy rối tình dục (セクシュアルハラスメント)

cô gái bị chạm vào vai
PIXTA

Đó là hành vi quấy rối về mặt giới tính. Đó không chỉ là những phát ngôn về mặt tình dục với đối phương, mà còn là hành động kì thị những đặc điểm cơ thể của họ. Mọi người thường chỉ có ấn tượng về hành vi quấy rối từ nam giới đến nữ giới, nhưng thực tế còn có cả hành vi quấy rối từ nữ giới đến nam giới và người cùng giới tính.

Quấy rối do mang thai (マタニティハラスメント)

phụ nữ mang thai
PIXTA

Đây là hành vi gây tổn thương về mặt tinh thần hoặc thể chất đối với người mang thai hoặc sinh con. Hành vi đó có thể là những phát ngôn như “Đang bận thì lại nghỉ sinh”, “Đúng là phiền phức” hay việc giáng cấp người lao động được nghỉ nuôi con do mang thai hoặc sinh nở.

Quấy rối đạo đức (モラルハラスメント)

cô gái bị mọi người chỉ tay
PIXTA

Đó là hành vi nói xấu sau lưng hoặc phớt lờ sự tồn tại của người khác. Kiểu quấy rối này cũng tương tự như quấy rối bằng quyền lực, nhưng quấy rối đạo đức được thực hiện không liên quan đến vị trí công việc. Hơn nữa, hành vi bạo lực cũng không xuất hiện ở đây. Đây là hành vi bắt nạt ngầm như không rủ họ cùng đi ăn uống, mắng mỏ họ trong thời gian dài. Hành vi này có thể được thực hiện theo nhóm và mang lại sự mệt mỏi rất lớn cho người bị tấn công.

Thực trạng của hiện tượng quấy rối đang gia tăng tại Nhật Bản

tổng đài tư vấn
PIXTA

Trong những năm gần đây, trung tâm tư vấn thuộc Cục lao động tiếp nhận rất nhiều hỏi đáp về vấn đề “bị bắt nạt, quấy rối”. Nếu năm 2007 có khoảng 28.300 vụ tư vấn thì năm 2019 tăng lên 87.500 vụ, chủ yếu liên quan đến quấy rối ở nơi làm việc. Quấy rối tại nơi làm việc có thể dẫn đến tổn hại về tinh thần và phải bồi thường tai nạn lao động, là vấn nạn lớn trong tương lai.

Trước tình hình đó, Nhật Bản đã thực hiện “Luật xúc tiến toàn diện về chính sách lao động sửa đổi (Luật phòng chống quấy rối)” đối với các doanh nghiệp lớn vào ngày 1/6/2020. Và từ ngày 1/4/2022, quy định này cũng được áp dụng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nội dung chính của luật này như sau:
1) Chủ doanh nghiệp có nghĩa vụ trang bị chương trình chống quấy rối bằng quyền lực như thành lập phòng tư vấn.
2) Nếu hành vi quấy rối bằng quyền lực vẫn thường xuyên diễn ra dù đã được cảnh báo và vẫn không có cải tiến thì doanh nghiệp sẽ bị nêu tên.
3) Người tố giác hành vi quấy rối bằng quyền lực sẽ không bị đuổi việc hoặc phân biệt đối xử bất lợi trong doanh nghiệp.
4) Những nội dung nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục, quấy rối do mang thai cũng được quy định rõ.

Hành vi như thế nào bị coi là quấy rối?

Trong phần này, chúng tôi sẽ giải thích chi tiết những hành vi được cho là quấy rối.

Quấy rối bằng quyền lực

người đàn ông đang chỉ tay
PIXTA

1) Tấn công về thể chất: Là hành vi tác động bạo lực như đánh, đá của cấp trên đối với cấp dưới.
2) Tấn công về tinh thần: Là hành vi phát ngôn như phủ nhận nhân cách của cấp trên đối với cấp dưới.
3) Chia tách khỏi mối quan hệ con người: Là hành vi tách biệt tách rời khỏi nơi làm việc, biệt lập trong phòng nghiên cứu riêng hoặc phòng riêng.
4) Yêu cầu quá đáng: là hành vi yêu cầu làm việc một cách thái quá, vượt quá năng lực của người lao động.
5) Yêu cầu quá thấp: Là hành vi chỉ yêu cầu những việc ai cũng có thể làm, khiến đối phương phải nghỉ việc.
6) Xâm hại cá nhân: Là hành vi can thiệp không ngừng vào đời sống riêng tư của cá nhân.

Quấy rối tình dục

chạm tay vào khu vực nhạy cảm
PIXTA

1) Quấy rối tình dục kiểu “có qua có lại”: Là những yêu cầu như “đi chơi cùng thì sẽ đánh giá tốt trong công việc”, “nếu cho quan hệ tình dục thì sẽ đánh giá tốt trong công việc”…

2) Quấy rối tình dục kiểu môi trường: là hành vi khiến cho người lao động không cảm thấy thoải mái bởi những lời nói hành động về giới tính. Nó còn có thể là những hành vi như đôi khi sờ soạng vào cơ thể, phát tán thông tin về giới của người lao động…

Quấy rối mang thai

nhân viên nữ mang bầu
Photo:PIXTA

1) Quấy rối do việc sử dụng chính sách ưu tiên: Công ty có nhiều chế độ chính sách như chế độ nghỉ nuôi con nhỏ và chế độ làm việc ít thời gian khi mang bầu hoặc sinh con. Đây là hành vi phát ngôn như “Nghỉ nuôi con thì thôi việc luôn đi” hay “Đi làm mà về đúng giờ thế thì phiền phức quá” đối với những người sử dụng chính sách của công ty.

2) Quấy rối do nghỉ ốm: Đó là hành vi có lời nói khiếm nhã đối với người nghỉ do thể trạng kém, những phát ngôn như “Nghỉ làm thì nghỉ việc luôn đi” hoặc “Công việc của tôi phải tăng lên vì cậu đấy” khi có người xin về sớm hoặc xin nghỉ làm, những hành vi quấy rối như xin nghỉ hay xin về sớm do con nhỏ ốm sốt sau khi sinh con,…

Quấy rối đạo đức

cô gái bị các đồng nghiệp soi xét
PIXTA

Quấy rối đạo đức là hành vi quấy rối ngấm ngầm, đi ngược lại luân lí và đạo đức thông thường. Cụ thể là những hành vi vi phạm đạo đức như phớt lờ sự tồn tại của người khác, cô lập khỏi nhóm, nói xấu, coi thường, cố tình không chia sẻ thông tin quan trọng trong công việc.

Phải làm gì khi bị quấy rối?

hai cô gái nói chuyện
PIXTA

Khi bị quấy rối, bạn đừng tự suy nghĩ một mình, mà nên đến gặp người tư vấn. Bạn hãy nhớ lại mình đã bị quấy rối như thế nào, khi nào, người quấy rối bạn là ai và tình trạng quấy rối cụ thể ra sao, rồi ghi chép lại. Khi đó, bạn sẽ có thể chia sẻ chi tiết và cụ thể khi gặp người tư vấn. Dưới đây là một vài phương án giải quyết mà bạn nên tham khảo để tìm hướng giải quyết.

1) Chia sẻ với đồng nghiệp hoặc cấp trên để nhờ sự giúp đỡ

Việc đầu tiên là bạn hãy thử chia sẻ với những người gần gũi bạn ở chỗ làm. Khi có được sự hỗ trợ của mọi người xung quanh, sự việc có thể sẽ nhanh chóng được giải quyết.

2) Nhờ bộ phận tư vấn trong công ty

Trường hợp bạn có khó khăn trong việc chia sẻ với mọi người xung quanh thì hãy nhờ bộ phận tư vấn chống quấy rối ở công ty. Theo quy định hiện tại, các doanh nghiệp bắt buộc phải thành lập phòng chuyên tư vấn quấy rối dành cho nhân viên.

3) Nhờ bộ phận tư vấn ngoài công ty

Nếu bạn không thể nhờ sự hỗ trợ của bộ phận tư vấn nội bộ công ty thì bạn có thể đến trung tâm tư vấn thuộc Cục lao động – Phòng giám sát tiêu chuẩn lao động. Hoạt động tư vấn này hoàn toàn miễn phí nên bạn có thể yên tâm sử dụng dịch vụ.

Giới thiệu bộ phận tư vấn hỗ trợ người nước ngoài

điện thoại bàn
PIXTA

Nếu bạn là người nước ngoài không thành thạo tiếng Nhật và đang bị quấy rối thì có thể đến “Trung tâm tư vấn lao động nước ngoài của cục lao động” có cung cấp dịch vụ dành cho người nước ngoài. Bạn không cần đến trực tiếp và có thể nhận tư vấn qua điện thoại. Trung tâm trực thuộc mỗi tỉnh thành phố sẽ hỗ trợ loại ngôn ngữ khác nhau, do đó bạn cần tìm hiểu rõ loại ngôn ngữ bạn cần có được hỗ trợ hay không trên website của Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản.

https://www.startup-roudou.mhlw.go.jp/foreigner.html

Trên đây là nội dung giới thiệu về quấy rối trong môi trường công sở Nhật Bản. Chúng ta không thể biết việc này có xảy ra với mình hoặc người xung quanh hay không. Vì vậy, chúng tôi mong rằng sau bài viết này, các bạn sẽ hiểu rõ vấn đề quấy rối, cách thức giải quyết phù hợp với từng tình huống.

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé! 

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: