Chia sẻ từ người Nhật! 8 cách xử lý khi gặp tai nạn hoặc bị ốm khi ở Nhật Bản

Bị thương hoặc bị ốm trong khi đang ở nước ngoài là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, khi bạn ở nước ngoài, có nhiều tình huống bất ngờ có thể xảy ra, như bị cảm lạnh khi không thích nghi được với khí hậu của nơi đến, bị ốm vì không hợp với đồ ăn hoặc bị thương do một vài bất cẩn. Thực tế thì không ít người đã gặp phải những tình huống đó. Vậy bạn nên làm gì nếu không may bị ốm hoặc bị thương khi ở Nhật Bản? Chắc chắn nhiều người sẽ bị hoảng loạn khi gặp “tình huống nguy cấp” ở một đất nước hoàn toàn khác lạ về ngôn ngữ và văn hóa. Do đó, để giúp các bạn giảm bớt nỗi sợ hãi, trong bài viết này chúng tôi sẽ đưa ra một số giải pháp để xử lý khi bạn bị ốm hoặc bị thương ở Nhật. Tất cả đều là chia sẻ từ chính những người Nhật, nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm áp dụng khi gặp những tình huống thực tế.

1. Làm gì khi bị ốm? Cách thức để được thăm khám ở Nhật Bản

khu phố kabuki-cho
VTT Studio / Shutterstock.com

Bạn sẽ tìm thấy các cơ sở y tế dành cho người nước ngoài trên khắp Nhật Bản. Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra và bạn gặp vấn đề, bạn hãy tìm một nơi nào đó gần bạn trong danh sách các cơ sở y tế chấp nhận người nước ngoài do Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO) tổng hợp tại các địa chỉ website dưới đây. Công cụ cực kỳ tiện dụng này cho phép bạn tìm kiếm theo khu vực, triệu chứng, ngôn ngữ và cách thức thanh toán bằng thẻ tín dụng,… Dù mỗi cơ sở khám chữa bệnh có sự khác nhau về ngôn ngữ giao tiếp, phân loại bệnh điều trị và phương thức thanh toán nhưng yên tâm là bạn vẫn sẽ được tiếp nhận khám chữa mà không cần phải hiểu tiếng Nhật.

Tiếng Anh: https://www.jnto.go.jp/emergency/eng/mi_guide.html
Tiếng Trung Quốc phồn thể: https://www.jnto.go.jp/emergency/chc/mi_guide.html
Tiếng Trung Quốc giản thể: https://www.jnto.go.jp/emergency/chs/mi_guide.html
Tiếng Hàn: https://www.jnto.go.jp/emergency/kor/mi_guide.html

Ngoài ra, Đường dây nóng dành cho khách du lịch Nhật Bản của JNTO luôn sẵn sàng phục vụ 24 giờ/ngày và 365 ngày/năm. Bạn có thể liên hệ với đường dây nóng nếu bạn cần hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp, tai nạn hoặc thiên tai, hay ngay cả khi bạn cần thông tin du lịch trong thời gian lưu trú tại Nhật Bản. Đường dây này có thể hỗ trợ bằng các thứ tiếng: tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Hàn.

Japan Visitor Hotline
Trong Nhật Bản: 050-3816-2787
Từ nước ngoài: +81-50-3816-2787

2. Đặc trưng của các cơ sở y tế tại Nhật Bản? Có cần đặt hẹn trước khi đến khám? Làm sao để gọi xe cấp cứu?

xe cứu thương trên đường phố Nhật Bản

Tại Nhật Bản cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới, có rất nhiều loại hình cơ sở y tế, từ các bệnh viện đại học đến bệnh viện thành phố, thị trấn và các phòng khám nhỏ. Các cơ sở y tế lớn có thể tiếp nhận và xử lý hầu hết các loại bệnh với các khoa từ phẫu thuật, ngoại khoa, nội khoa, cho đến khoa nhi, khoa phẫu thuật chỉnh hình và khoa thần kinh. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng nếu bạn đến khám mà không có hẹn trước thì bạn có thể phải chờ rất lâu mới đến lượt mình đó. Trong trường hợp khẩn cấp, bạn có thể đến cơ sở có khoa cấp cứu hoặc gọi 119 để được hỗ trợ gọi xe cấp cứu. Ngoài ra, bạn cũng cần luu ý là ngoài chi phí khám cấp cứu, có khả năng bạn sẽ phải chi trả thêm phí khám vào ngày nghỉ, hoặc phí khám vào đêm muộn,…

Cách gọi xe cấp cứu
Khi bạn gọi 119, trước tiên tổng đài viên sẽ trả lời bằng tiếng Nhật, nhưng nếu bạn nói bằng tiếng Anh thì họ sẽ nói chuyện bằng tiếng Anh với bạn. Tuy nhiên, nếu có người Nhật nào ở gần đó có thể giúp bạn thì mọi việc sẽ suôn sẻ hơn nhiều. Vì vậy, chúng tôi khuyên bạn nên nhờ người Nhật hỗ trợ gọi điện thoại khẩn cấp.

① Bấm số gọi 119 
② Tổng đài sẽ hỏi bạn “Báo cháy hay cấp cứu” và bạn trả lời “Tôi cần gọi cấp cứu” (tổng đài 119 hỗ trợ cả trường hợp báo cháy)
③ Truyền đạt chính xác địa chỉ hoặc đặc trưng khu vực bạn đang ở
④ Mô tả chi tiết sự cố hoặc tai nạn và tình trạng thương tật
⑤ Cung cấp tên và số điện thoại người gọi
⑥ Khi nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu, hãy hướng dẫn họ hết mức có thể (thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế, nếu có)
⑦ Khi đội cứu thương đến, hãy cho họ biết về phương pháp sơ cứu bạn đã thực hiện, tình trạng của bệnh nhân và bất cứ điều gì bạn biết được về tiền sử bệnh của đối phương.

Cục Phòng cháy chữa cháy của Bộ Nội vụ & Truyền thông Nhật Bản đã đưa ra “Hướng dẫn việc sử dụng xe cấp cứu dành cho người nước ngoài tại Nhật Bản” để giới thiệu cách sử dụng xe cấp cứu bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc giản thể, tiếng Trung Quốc phồn thể, tiếng Hàn, tiếng Thái, tiếng Pháp và tiếng Ý. Bạn có thể tham khảo đường link bên dưới để biết thêm thông tin chi tiết.

Guide for Ambulance Services
救護車使用指南

救护车服务指南
구급차 이용 가이드
คู่มือการใช้บริการรถพยาบาล
Guida per chiamare l’ambulanza
Guide d’utilisation des services d’ambulance

3. Bạn lo lắng khi đi gặp bác sĩ ở Nhật Bản? Mang theo giấy ghi chú để có thể truyền đạt chính xác nhất tình trạng bệnh đến bác sĩ

bác sĩ trao đổi với bệnh nhân

Hẳn bạn đã từng rơi vào trường hợp bất lực khi không biết dùng từ ngữ nào để giải thích về tình trạng bệnh của mình. Do đó, tốt nhất là bạn hãy chuẩn bị trước thông tin, ghi lại vào tờ giấy ghi chú để có thể mô tả chính xác các vấn đề của bạn đến bác sĩ. Đặc biệt, những nội dung như “tên tuổi”, “nhóm máu”, “triệu chứng bệnh hiện tại”, “thuốc đang uống”, “các bệnh nghiệm trọng đã từng mắc trong quá khứ”, “các dị ứng thường gặp”, “tôn giáo”, “tên người liên lạc khẩn cấp”,… thường là những nội dung sẽ phải kê khai nên bạn hãy chuẩn bị trước để việc thăm khám được diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ nhé.

4. Làm thế nào để được nhận thuốc sau khi khám? Tôi có thể nhận thuốc tại quầy thanh toán không?

bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân

Nếu bạn đang đến khám ở một bệnh viện lớn thì bạn có thể nhận được thuốc ngay tại đó. Còn nếu bạn đến một phòng khám nhỏ hơn, bạn sẽ phải mang đơn thuốc đến nhà thuốc để mua. Hầu hết các nhà thuốc sẽ nằm trong khuôn viên của bệnh viện hoặc ngay gần phòng khám. Trong những năm gần đây, các cửa hàng dược mỹ phẩm cũng có quầy bán thuốc theo đơn của bác sĩ và ngày càng nhiều cửa hàng có nhân viên nói được ngoại ngữ nên bạn có thể yên tâm là sẽ nhận được thuốc và hướng dẫn sử dụng đúng như yêu cầu.

5. Bảo hiểm du lịch mua ở trong nước có thể sử dụng được ở Nhật Bản hay không? Cách thức để được thăm khám bằng bảo hiểm ở Nhật

quầy bảo hiểm du lịch
Khun Ta / Shutterstock.com

Chi phí là vấn đề khiến nhiều người lo ngại khi đến khám ở các cơ sở y tế tại nước ngoài. Nếu bạn không được bảo hiểm hỗ trợ và phải tự gánh vác toàn bộ chi phí thì đó sẽ là một khoản chi rất lớn. Điều này cho thấy tầm quan trọng của bảo hiểm du lịch. Tùy thuộc vào các điều khoản trong chính sách bảo hiểm sẽ quyết định mức độ chi phí khám chữa bệnh được bảo hiểm chi trả. Nếu bảo hiểm du lịch được bao gồm trong thẻ tín dụng bạn đang sử dụng, bạn nên giải thích điều này khi thanh toán.

Giả sử bạn chưa đăng ký bảo hiểm du lịch trong thẻ tín dụng thì bạn nên mua gói bảo hiểm dưới đây sau khi đến Nhật Bản. Đây là một số các ví dụ để bạn tham khảo.

・Sompo Japan Nipponkoa
Tên bảo hiểm: Bảo hiểm du lịch Nhật Bản
Ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn
Hạn mức: 10 triệu yên cho mỗi lần xảy ra chấn thương hoặc bị bệnh
Phí bảo hiểm: Khác nhau tùy theo thời gian du lịch (2.900 yên cho 10 ngày)
Website: https://www.sompo-japan-off.jp/travelins/travelins_ja.html

・Tokio Marine Nichido
Tên bảo hiểm: TOKYO OMOTENASHI POLICY
Ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn
Hạn mức: 10 triệu yên
Phí bảo hiểm: Khác nhau tùy theo thời gian du lịch (760 yên/1 ngày, 3,610 yên/10 ngày)
Website: https://japantravelinsurance.net/

6. Tôi cảm thấy không khỏe nhưng chưa đến mức phải đi bệnh viện thì tôi có thể đến đâu để mua các loại thuốc thông thường?

các loại thuốc được trưng bày

Nếu tình trạng của bạn không nghiêm trọng đến mức phải đi bệnh viện hoặc gặp bác sĩ nhưng bạn cần dùng thuốc thì bạn nên đến các cửa hàng dược mĩ phẩm. Trên phố có nhiều cửa hàng miễn thuế dành cho du khách nước ngoài bày bán các sản phẩm thuốc của Nhật Bản được đánh giá bởi hiệu quả và chất lượng tốt. Dưới đây là một số chuỗi cửa hàng dược mĩ phẩm nổi tiếng ở Nhật Bản.

・Matsumoto Kiyoshi: https://www.matsukiyo.co.jp/store/online
・Tsuruha Drug: https://www.tsuruha.co.jp/
・Sun Drug: http://www.sundrug.co.jp/
・Cocokarafine: https://corp.cocokarafine.co.jp/english/index.html
・Welcia: https://www.welcia-yakkyoku.co.jp/
・Satsudora:
https://satudora.jp/ (tiếng Nhật)
https://satudora.jp/taxFree/en/ (tiếng Anh)

7. Tôi có nên mang theo thuốc từ nhà đề phòng trường hợp sức khỏe không tốt khi đi nước ngoài?

đường phố Nhật Bản
2p2play / Shutterstock.com

Luật về thuốc ở mỗi quốc gia rất khác nhau, nhưng liệu có thể mang thuốc đang uống hàng ngày từ trong nước vào Nhật Bản không? Về cơ bản, chính phủ Nhật Bản không có quy định hạn chế nào trong việc mang thuốc sử dụng cá nhân vào Nhật, ngay cả khi thuốc này chưa được chấp thuận sử dụng tại Nhật Bản.

8. Làm gì nếu cảm thấy không khỏe khi đang ở Nhật? Tham khảo sách hướng dẫn dành cho người nước ngoài tại Nhật do JNTO phát hành

các vị khách mua sắm
DKPVP / Shutterstock.com

JNTO đã phát hành “Sách hướng dẫn trong trường hợp bạn gặp vấn đề về sức khỏe khi đang ở Nhật Bản”. Bạn có thể mang theo mình một bản sách in hoặc tải xuống điện thoại để tham khảo. Nội dung sách tập hợp các thông tin xử lý tình huống như đưa ra các bảng kí hiệu giải thích triệu chứng và tình trạng bệnh, hoặc hướng dẫn ghi lại thông tin y tế cá nhân của bản thân,… rất có ích trong trường hợp bạn cần sự hỗ trợ về y tế.

Tiếng Anh: https://www.jnto.go.jp/emergency/common/pdf/guide_eng.pdf
Tiếng Trung Quốc phồn thể: https://www.jnto.go.jp/emergency/common/pdf/guide_chi01.pdf
Tiếng Trung Quốc giản thể: https://www.jnto.go.jp/emergency/common/pdf/guide_chi02.pdf
Tiếng Hàn Quốc: https://wwzw.jnto.go.jp/emergency/common/pdf/guide_kor.pdf
Tiếng Thái Lan: https://www.jnto.go.jp/emergency/common/pdf/guide_tai.pdf

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: