Hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch kiểu Nhật (Shokumukeirekisho) cho kỹ sư công nghệ thông tin

shokumukeirekisho and smartphone with programming code
Bạn đang tìm việc làm kỹ sư IT ở Nhật Bản? Và bạn thấy yêu cầu cần phải viết hai bản sơ yếu lí lịch cho hồ sơ xin việc của mình? Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Bản tóm tắt kinh nghiệm làm việc (shokumukeirekisho) khi đi xin việc ở Nhật nhé!

Lưu ý: Bài viết này dành riêng cho các kỹ sư Công nghệ thông tin (IT). Đối với các lĩnh vực khác, chúng tôi cũng có những bài viết khác dành cho bạn!

Khi bạn đang dần thích nghi với cuộc sống mới của mình tại Nhật Bản, chắc hẳn bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều các rào cản về văn hóa và ngôn ngữ. Việc chuẩn bị sơ yếu lý lịch khi nộp hồ sơ xin việc cũng là một rào cản văn hóa lớn. Không đơn giản là bạn chỉ cần dịch bản sơ yếu lý lịch cũ mà mình đã chuẩn bị bằng tiếng mẹ đẻ sang tiếng Nhật, mà thay vào đó bạn sẽ phải viết mới hoàn toàn không chỉ một mà là hai văn bản. Nhưng đừng lo lắng, bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn thông tin chi tiết để viết một Bản tóm tắt kinh nghiệm làm việc (Shokumukeirekisho) dành cho khối ngành công nghệ thông tin hoàn chỉnh trước khi bắt đầu đi xin việc ở Nhật.

Bạn cần hai bản sơ yếu lý lịch khác nhau khi đi xin việc ở Nhật Bản

Sơ yếu lý lịch tiếng Nhật

Khi bạn bắt đầu tìm việc tại Nhật Bản, bạn sẽ cần chuẩn bị sơ yếu lý lịch bằng tiếng Nhật, hay còn được gọi là Rirekisho (履歴書). Các sơ yếu lý lịch của Nhật Bản đều được chuẩn hóa và thường dài hai trang giấy. Bạn sẽ phải điền đầy đủ thông tin của mình theo thứ tự. Bên cạnh các thông tin cơ bản như tên, tuổi, giới tính và một bức ảnh chân dung, bạn sẽ phải liệt kê quá trình học tập, kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng và chứng chỉ mà mình có. Ở mỗi phần thông tin này, bạn sẽ chỉ cần tóm tắt quá trình học tập, làm việc của mình, vị trí mà mình từng nắm giữ và thời gian làm việc.

Ở trang thứ hai, có một khoảng giấy nhỏ để bạn giới thiệu về bản thân, tóm tắt các kỹ năng đặc biệt hoặc những điểm mạnh của mình và một phần tóm tắt ngắn gọn để mô tả về mình. Nói tóm lại, bản sơ yếu lý lịch này trông giống một bản liệt kê các thông tin chính, cho phép người viết có nhiều cơ hội để mô tả về bản thân mình hơn so với sơ yếu lý lịch kiểu phương Tây.

Hãy tham khảo bài viết này của chúng tôi để nắm bắt được một số mẹo hữu ích cũng như cách viết sơ yếu lý lịch để vượt qua vòng hồ sơ của các công ty Nhật!

Bản tóm tắt kinh nghiệm làm việc (Shokumukeirekisho)

Nộp sơ yếu lý lịch

Thông thường, sơ yếu lý lịch (履歴書) chỉ đưa ra những thông tin cơ bản như họ tên, tuổi, bằng cấp, thì Bản tóm tắt kinh nghiệm làm việc “Shokumukeirekisho” (職務経歴書) sẽ yêu cầu bạn phải cung cấp thêm những thông tin chi tiết về những kinh nghiệm mà bạn có. Một số phần trong Shokumukeirekisho này rất quan trọng và phải được viết đúng theo mẫu, nhưng những phần khác có thể được gộp vào hoặc tách ra, tùy thuộc xem bạn muốn nhấn mạnh vào điểm nào.

Mục đích của shokumukeirekisho là mở rộng phần sơ yếu lý lịch (履歴書) của bạn, giống như một phần ghi chú lớn cho bản sơ yếu lý lịch vậy. Shokumukeirekisho khá giống với CV kiểu phương Tây điển hình, kèm theo thư xin việc. Trong Shokumukeirekisho, bạn sẽ cần liệt kê từng kinh nghiệm làm việc mà bạn đã nêu trong sơ yếu lý lịch của mình, ghi chi tiết những công việc của mình tại vị trí đó, tầm quan trọng đến đâu và tại sao những kinh nghiệm đó khiến bạn trở thành một ứng cử viên phù hợp với vị trí đang tuyển dụng. Shokumukeirekisho cũng là cơ hội để bạn đính kèm các đường link dẫn tới các những sản phẩm hay thành quả công việc mà bạn đã đạt được trong quá khứ.

Về cơ bản, bạn sẽ sử dụng Shokumukeirekisho để kể chi tiết hơn về các kinh nghiệm làm việc của mình trước đây và giải thích tại sao bạn lại phù hợp với vị trí mà bạn đang muốn ứng tuyển.

Cách viết Shokumukeirekisho

Chuẩn bị shokumukeirekisho

Không có một mẫu chuẩn hóa cho shokumukeirekisho, nhưng có một số lưu ý chung về mà bạn nên tuân theo khi liệt kê những thông tin cá nhân trong phần này. Chúng tôi sẽ giới thiệu những ý chính và hướng dẫn bạn cách để viết Shokumukeirekisho. Tuy nhiên, bạn có thể điều chỉnh cách viết sao cho phù hợp với kỹ năng và kinh nghiệm làm việc mà mình đã có.

Tiêu đề và thông tin cá nhân

Ở trên cùng của trang giấy, bạn hãy viết tiêu đề là 職務経歴書. Sau đó, bạn điền ngày, tên và các thông tin khác mà bạn muốn như thông tin liên hệ. Bạn có thể tải mẫu sơ yếu lý lịch qua đường link dưới đây và tham khảo thêm phần bài viết bên dưới của chúng tôi để hoàn thiện hơn sơ yếu lý lịch của mình:

Tóm tắt quá trình làm việc trong Shokumukeirekisho

shokumukeirekisho - Tóm tắt quá trình làm việc
Bạn có thể tải mẫu sơ yếu lý lịch bản chữ ở phần trên 

Hầu hết shokumukeirekisho sẽ bao gồm một phần giới thiệu chung về kinh nghiệm làm việc của bạn ở phần đầu trang, ngay phía dưới phần ghi thông tin cá nhân. Phần thông tin này có độ dài không quá 250 ký tự, để giới thiệu vắn tắt về bản thân và những kinh nghiệm nghề nghiệp bạn đã có đến thời điểm hiện tại. Bạn lưu ý rằng phần này chỉ để nêu những thông tin chung về quá trình làm việc của bạn trước đây, chứ không phải nêu chi tiết về các kinh nghiệm và kỹ năng mà bạn có.

Phần những kỹ năng liên quan trong Shokumukeirekisho

shokumukeirekisho - Những kỹ năng liên quan
Những kỹ năng liên quan

Trong phần này, bạn sẽ cần nêu tất cả những kỹ năng, thành tựu đạt được của mình và liệt kê một danh sách ngắn gọn những điều bạn có thể cống hiến cho công ty mà bạn đang ứng tuyển. Bạn không nhất thiết phải đưa thông tin này vào hồ sơ (mà có thể gộp với các phần kỹ năng khác ở phía cuối văn bản như chúng tôi trình bày dưới đây). Tuy nhiên, việc đưa phần thông tin này lên trên đầu có thể giúp bạn gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Không giống với phần thông tin về kỹ năng bên dưới – vốn chỉ là danh sách những điều bạn có thể làm hoặc thành tựu của bạn, ở phần này bạn hoàn toàn có thể viết những thông tin này tùy theo văn phong mà bạn muốn.

Phần quá trình công tác trong Shokumukeirekisho

shokumukeirekisho - Quá trình công tác

Đây chính là phần trọng tâm của shokumukeirekisho. Trong phần này, bạn sẽ cần đưa thông tin chi tiết về từng vị trí công tác mà mình từng đảm nhận. Trong từng vị trí, bạn có thể nêu bất kỳ điểm nào mà bạn thấy có liên quan với vị trí mà mình đang nộp đơn ứng tuyển. Hãy nhớ rằng, hồ sơ này được sử dụng để xác định xem bạn có phải là một ứng cử viên phù hợp với vị trí mà công ty đang tuyển dụng hay không. Do đó, hãy tận dụng hồ sơ này để nhấn mạnh những kinh nghiệm mà bạn có để thuyết phục nhà tuyển dụng vì sao mình là một ứng viên phù hợp với vị trí tuyển dụng nhé.

Đối với mỗi vị trí, thông thường sẽ bao gồm cả những thông tin về nơi làm việc trước đây của bạn. Thông tin có thể bao gồm:

  • Tên công ty
  • Ngành hoạt động
  • Thời điểm thành lập
  • Vốn cổ phần của công ty
  • Số lượng nhân viên
  • Doanh thu hàng năm

Bạn chỉ cần điền các thông tin có liên quan mà thôi. Nếu bạn không làm việc cho một công ty giao dịch thương mại thì bạn không phải cung cấp các thông liên quan đến vốn cổ phần. Tương tự như vậy, nếu bạn không nghĩ rằng thông tin về thời điểm thành lập của công ty thích hợp để điền vào sơ yếu lý lịch thì bạn không cần thêm thông tin đó. Mục này không cần chú trọng đến danh tiếng và uy tín của doanh nghiệp bạn đã làm mà chú trọng đến tính chất công việc và môi trường doanh nghiệp bạn đã làm. Công ty đó lớn hay nhỏ và họ kinh doanh trong lĩnh vực nào?

Sau khi trình bày chi tiết về nhà tuyển dụng, bạn sẽ mô tả vị trí công việc của mình ở mỗi công ty. Bạn có thể đưa một số thông tin như:

  • Tên vị trí việc làm và phòng ban
  • Thời gian làm việc
  • Loại hình các dự án mà bạn đã tham gia
  • Bạn đã tham gia vào giai đoạn phát triển nào của dự án
  • Danh sách các chương trình, ngôn ngữ, khung chương trình … bạn đã sử dụng
  • Thành tích/hiệu quả làm việc

Tầm quan trọng của phần này là làm nổi bật kinh nghiệm việc làm, thành tích của bạn và cách những điều đó mang lại lợi thế cho bạn khi ứng tuyển vào công việc hiện tại. Bạn không cần phải tạo cột rồi điền chính xác những thông tin đã kể trên mà có thể tự liệt kê những thông tin này thành một danh sách dài. Tuy nhiên, bạn nên sắp xếp theo từng nhóm nội dung như “các giai đoạn phát triển” và “danh sách các ngôn ngữ” vào từng cột riêng: đối với hai nhóm này, các vị trí công việc thường có những yêu cầu cụ thể mà nhà tuyển dụng yêu cầu và bằng cách sắp xếp như vậy, bạn sẽ giúp các nhà tuyển dụng có thể dễ dàng xem xét liệu bạn có đủ kinh nghiệm cần thiết hay không?

Một lần nữa, mỗi một vị trí công việc mà bạn đảm nhiệm khác nhau sẽ đem lại cho bạn những kỹ năng khác nhau. Hãy sử dụng phần này để viết về cách mỗi vị trí công việc trước đây đã giúp bạn có những kinh nghiệm nào để bạn ứng tuyển cho vị trí tuyển dụng này và tại sao. Hãy thoải mái thêm các đường link liên kết tới các thành quả công việc của bạn (ví dụ như các trang web bạn đã thiết kế) cho phép shokumukeirekisho của bạn giống như một danh mục đầu tư vậy.

Phần kỹ năng trong Shokumukeirekisho

shokumukeirekisho - Các kỹ năng

Sau khi trình bày chi tiết về quá trình việc làm của mình, bạn có thể chuyển qua giới thiệu về các kỹ năng của bản thân, cụ thể là các ngôn ngữ và công cụ lập trình bạn hay sử dụng hay các kỹ năng cứng khác của bạn cũng như bất kỳ chứng chỉ hoặc bằng cấp nào có liên quan. Hãy điều chỉnh các kỹ năng bạn đã liệt kê ở trên phía quá trình làm việc của bạn sao cho phù hợp với vị trí ứng tuyển hiện tại. Bạn lựa chọn kỹ năng nào và nhà tuyển dụng của bạn sẽ quan tâm đến những kỹ năng nào nhất? Chúng có thể bao gồm từ các kỹ năng từ cơ bản đến chuyên ngành.

Nếu bạn không phải là người bản ngữ nói tiếng Nhật, bạn cũng nên lưu ý về khả năng ngôn ngữ và trình độ JLPT của mình. Phần “kỹ năng ngôn ngữ” là một phần riêng biệt hoặc được nhóm lại vào phần Kỹ năng/ Chứng chỉ là tuỳ thuộc vào bạn.

Bạn cũng có thể liệt kê trình độ học vấn hoặc những kinh nghiệm liên quan khác trong phần này. Nếu các hoạt động tình nguyện của bạn đem lại cho bạn những kỹ năng cụ thể hoặc nếu bạn tham gia vào một chương trình vừa học vừa làm không phù hợp để đưa vào phần kinh nghiệm làm việc bên trên thì bạn cũng có thể thêm vào đây.

Tự giới thiệu, PR về bản thân (“Jiko PR”)

shokumukeirekisho - Tự giới thiệu, quảng cáo về bản thân ("Jiko PR")

Đây là một trong những phần bạn có thể tự do nêu trực tiếp lý do tại sao bạn ứng tuyển vào vị trí công việc này và mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì. Hãy nhớ lại những kinh nghiệm trong quá khứ, những kỹ năng bạn có được (đặc biệt là các kỹ năng mềm mà chưa được đề cập ở các phần khác), những điều bạn hy vọng trong tương lai và vị trí công việc này sẽ giúp bạn đạt được mong muốn đó như thế nào. Bạn cũng có thể viết về bất cứ thứ gì bạn muốn ở đây nhưng hãy nhớ tìm hiểu lý do ứng tuyển vì hầu hết các công ty bạn đều quan tâm nhất đến điều này và cách bạn có thể đóng góp cho công ty của họ.

Phần này không nên quá dài, chỉ nên có độ dài tương đương với phần tóm tắt sự nghiệp ở đầu trang, tức là khoảng 250 ký tự. Mục tiêu của bạn ở đây là trình bày ngăn gọn vị trí công việc mới này phù hợp với sự nghiệp của bạn như thế nào.

Xin lưu ý rằng có một mục tương tự giống như ở trong lý lịch rirekisho của bạn. Nếu bạn quyết định viết cả hai thì đừng chỉ sao chép hay viết ý hệt nhau nhé. Hai bản sơ yếu lý lịch này phục vụ các mục đích khác nhau, trong khi rirekisho giới thiệu chung chung hơn thì shokumukeirekisho có nhiều mục tiêu rõ ràng hơn. Cùng với những điều giới thiệu ở trên, thông thường các nhà tuyển dụng sẽ đọc cả hai sơ yếu lý lịch ở công ty và sẽ nhận ra bạn đã sao chép hai mục này.

Những lưu ý chung khi chuẩn bị Shokumukeirekisho

Lưu ý khi chuẩn bị shokumukeirekisho

Đây là một số mẹo áp dụng khi viết tất cả các phần của shokumukeireki nhé. Hãy cố gắng ghi nhớ chúng khi bạn viết sơ yếu lý lịch nhé!

  • Bạn có thể sắp xếp các kinh nghiệm làm việc của mình tuỳ theo ý muốn. Cách phổ biến nhất được các công ty Nhật Bản ưa chuộng là sắp xếp theo trình tự thời gian. Tuy nhiên trong một số trường hợp bạn có thể viết ngược lại hoặc sắp xếp theo thứ tự thâm niên chức vụ để thể hiện sự phát triển, thăng tiến trong sự nghiệp.
  • Hãy cố gắng viết shokumukeirekisho trong khoảng hai trang nếu có thể nhé. Ba trang cũng có thể chấp nhận được nhưng sẽ khá dài để đọc. Tuy nhiên đừng viết dài hơn ba trang giấy. Phần quá trình làm việc nên viết trong khoảng một trang là tốt nhất.
  • Hãy viết lý lịch của mình thật cụ thể, ngắn gọn và súc tích. Đảm bảo rằng các thế mạnh của bạn được nổi bật và không bị cầu ký hóa bằng những ngôn từ hoa mỹ. Hãy đi thẳng vào trọng tâm và nếu có thể, hãy luôn khẳng định các thông tin của bạn bằng các con số nhé!
  • Hãy cẩn thận và chú ý đến định dạng văn bản, ví dụ như khoảng cách giữa các dòng có nhất quán không hoặc căn chỉnh văn bản (căn lề trái hoặc giữa) có thống nhất hay không. Các nhà tuyển dụng Nhật Bản rất kén chọn và lưu tâm đến hình thức trình bày đó.

Tìm kiếm một công việc ở Nhật Bản không phải là điều quá khó khăn!

Phỏng vấn xin việc tại Nhật

Việc tìm kiếm một công việc mới không phải làm một điều dễ dàng nhưng nhìn chung, không hẳn là một điều quá khó khăn. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những mẹo hữu ích để chuẩn bị cho shokumukeirekisho của mình, giúp bạn chọn được những thông tin cần thiết để điền vào sơ yếu lý lịch của mình.

Bên cạnh những bài viết chia sẻ về kinh nghiệm tìm việc làm ở Nhật Bản, trang web về việc làm của tsunagu Local Jobs cũng là một nguồn hỗ trợ đắc lực không những giúp bạn tìm được một công việc phù hợp mà còn giúp bạn tạo chuẩn bị hồ sơ xin việc tốt nhất có thể.

Ảnh tiêu đề: PIXTA

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

1 Shares: