Hệ thống y tế Nhật Bản đứng trước nguy cơ sụp đổ! Danh sách các bệnh viện tại Nhật có nhân viên y tế nhiễm Covid-19

Trước số ca nhiễm Covid-19 liên tục nhảy số từ vài chục, vài trăm, cho đến hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn,… không có một quốc gia nào đủ tự tin để nói rằng hệ thống y tế của đất nước mình có thể ứng phó được với đại dịch lần này. Tại nơi dịch bệnh đang bùng phát mạnh nhất ở Mỹ và châu Âu, hệ thống y tế của các quốc gia này có thể coi là đã “vỡ trận”, không chỉ vậy ngày càng có nhiều nhân viên y tế, bác sĩ cũng đã bị lây nhiễm. Việc này hoàn toàn có thể dự báo trước khi mà tốc độ lây lan của loại virus này là vô cùng kinh khủng. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, có vẻ như con số này ở Nhật đang gia tăng nhanh chóng, khi trong những ngày gần đây Nhật Bản liên tiếp ghi nhận trường hợp các bệnh viện trở thành ổ dịch Covid-19. Vậy nguyên nhân nào đã khiến cho hệ thống y tế Nhật Bản trở nên như vậy và tình hình thực tế các bệnh viện này ra sao, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để có cái nhìn khái quát nhất.

Hiện trạng dịch Covid-19 tại Nhật Bản

người dân đeo khẩu trang ra đường
Rodrigo Reyes Marin / Shutterstock.com

Tính đến ngày 22/4/2020, Nhật Bản ghi nhận hơn 11,000 ca nhiễm và 281 ca tử vong. Đứng thứ 24 trên thế giới về số ca nhiễm. Những nơi có số người nhiễm nhiều nhất ở Nhật Bản vẫn là các thành phố lớn, đứng đầu là Tokyo, Osaka, Kanagawa, Chiba,… Đặc biệt từ khi dịch bùng phát kể từ thời điểm cuối tháng 3, nước này liên tiếp ghi nhận những ca lây nhiễm tại các bệnh viện trên cả nước. Theo số liệu thống kê của NHK, có khoảng hơn 1000 bác sỹ, y tá và bệnh nhân tại khoảng 60 cơ sở y tế bị nhiễm hoặc nghi nhiễm virus corona, con số này chiếm gần 10% trong tổng số người nhiễm ở Nhật Bản.

Điều này thực sự là mối nguy hiểm rất lớn đến công tác phòng chống dịch tại Nhật Bản, khi mà chính những nơi chữa trị bệnh lại trở thành ổ dịch, nhiều bệnh viện đã phải đóng cửa và tạm ngừng các hoạt động thăm khám, điều trị. Không chỉ vậy, rất nhiều nhân viên y tế tại những nơi có người bị nhiễm buộc phải cách ly ở nhà để theo dõi, khiến cho tình trạng thiếu nhân viên ngày càng trở nên trầm trọng.

Đâu là nguyên nhân khiến hệ thống y tế Nhật Bản nhanh chóng “vỡ vụn” như vậy?

bệnh viện ở Nhật Bản
KPG_Payless / Shutterstocks.com

Có thể nhìn ra nguyên nhân cơ bản nhất khiến các bệnh viện ở Nhật trở thành “ổ dịch” Covid-19 đó là các nhân viên y tế không biết những bệnh nhân đến khám đang mang trong mình virus corona, do đó họ không hề có sự chuẩn bị về các trang thiết bị bảo hộ tương ứng. Và gốc rễ của vấn đề này chính là kết quả của việc không tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, và vì thế không thể phát hiện được những đối tượng đang mang mầm bệnh trong người. 

Năng lực xét nghiệm chưa đáp ứng đủ

Tính đến nay Nhật Bản mới chỉ xét nghiệm cho khoảng 124,000 người trên tổng số 126 triệu dân, trong khi con số này ở Hàn Quốc – đất nước có 51 triệu dân là 571,000 (Hàn Quốc hiện có hơn 10,000 ca nhiễm). Ngay cả Việt Nam với 268 ca dương tính cũng đã tiến hành xét nghiệm cho 206,253 người. Ngoài ra, Nhật Bản mới chỉ xét nghiệm được trung bình 7,500 ca/ngày, thua xa con số 12,000 ca/ngày của Hàn Quốc (quốc gia áp dụng mô hình xét nghiệm diện rộng đầu tiên trên thế giới) và hơn 40,000 ca/ngày của Đức. Qua đây, có thể thấy năng lực xét nghiệm của Nhật Bản là chưa đủ so với tình hình dịch bệnh ngày càng lan rộng như thế này.

Thêm một lý do nữa là việc xét nghiệm PCR ở Nhật Bản tốn rất nhiều thời gian, trung bình là 2 ngày, nhưng cũng có một số nơi có thể mất từ 4-5 ngày. Ngay tại Tokyo, cũng đã có sự khác nhau giữa các quận, ví dụ như quận Itabashi, Bunkyo hay Ota chỉ mất 2 ngày là có kết quả, trong khi quận Nakano phải mất 3 ngày, quận Toshima 4 ngày và quận Nerima thậm chí còn mất tới 5 ngày. Điều này chính là nguyên nhân khiến cho nhiều trường hợp có biểu hiện nhiễm Covid-19 nhưng lại không được các cơ sở y tế tiếp nhận để xét nghiệm. Minh chứng gần đây nhất là một trường hợp người bệnh sốt cao, khó thở nhưng đã bị 80 bệnh viện từ chối tiếp nhận. Chính những rào cản này đã khiến cho thủ tục xét nghiệm ở Nhật trở nên khó khăn, phức tạp. Và việc không tiến hành xét nghiệm trên diện rộng đã dẫn đến tình trạng lây lan tràn lan đặc biệt ở các bệnh viện như hiện nay.

Thiếu vật tư, trang thiết bị bảo hộ

Tình trạng thiếu các trang thiết bị y tế, đặc biệt là đồ bảo hộ cho các y bác sĩ có thể trở nên trầm trọng hơn nếu những ca nhiễm tiếp tục gia tăng. Mới đây nhất, Thị trưởng Osaka Ichiro Matsui đã phải kêu gọi người dân quyên góp những chiếc áo mưa chưa dùng đến để các nhân viên y tế sử dụng như một thiết bị bảo hộ cá nhân. Điều này thực sự nguy hiểm, bởi nếu những nhân viên y tế không thể bảo vệ chính bản thân mình thì ai sẽ là người chăm sóc bệnh nhân?

đồ bảo hộ y tế
Sherry Yates Young / Shutterstock.com

Danh sách các bệnh viện có nhân viên y tế nhiễm Covid-19

Tokyo

Bệnh viện Nakano Egota (中野江古田病院)
92 người bao gồm bệnh nhân, bác sĩ, y tá nhiễm Covid-19. Hiện tại bệnh viện đã đóng cửa. Đây được coi là ổ dịch tại bệnh viện lớn nhất hiện nay trên cả nước.

Bệnh viện Đại học Keio (慶應義塾大学病院)
18 trong số 99 thực tập sinh ban đầu đã bị nhiễm Covid -19. Hiện tại bệnh viện đã tạm dừng các hoạt động chẩn đoán bệnh và cấp cứu, chỉ tiếp nhận các bệnh nhân cần điều trị khẩn cấp và những người có đăng ký trước. Với các trường hợp điều trị có thể hoãn lại sẽ bị hoãn.

Trung tâm y tế chữ thập đỏ Nhật Bản (日本赤十字社医療センター)
1 y tá bị nhiễm Covid -19. Bệnh viện tạm dừng các hoạt động chẩn đoán bệnh (không bao gồm khoa sản, khoa nhi và khoa sức khỏe nhi khoa) và cấp cứu (không bao gồm trẻ em).

Bệnh viện Tokyo Metropolitan Bokutoh (都立墨東病院)
39 người bao gồm bệnh nhân, nhân viên tại bệnh viện nhiễm Covid-19. Ngoài ra, có một số trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đang chờ kết quả xét nghiệm PCR. Bệnh viện hạn chế tiếp nhận bệnh nhân, chuyển viện đến khu vực đã phát hiện người lây nhiễm.

Bệnh viện Đại học Y Tokyo Jikei (東京慈恵会医科大学附属病院)
2 bệnh nhân, 1 bác sĩ và 3 y tá nhiễm Covid-19. Bệnh viện tạm dừng khoa cấp cứu, hạn chế tiếp nhận bệnh nhân nhập viện và điều trị ngoại trú.

Trung tâm y tế Hachioji Đại học Y khoa Tokyo (東京医科大学八王子医療センター)
1 bệnh nhân đang vận chuyển trên xe cấp cứu bị nhiễm Covid-19. Ngừng điều trị bằng oxy Hyperbaric trong khu vực ICU.

Bệnh viện Đại học Kyorin (杏林大学医学部付属病院)
2 bác sĩ nhiễm Covid-19. Các dịch vụ ngoại trú ngoại trừ xe cứu thương bị hạn chế. Ngừng tiếp nhận bệnh viên mới nhập viện, và tạm dừng hoạt động khoa tiêu hóa.

Bệnh viện Juntendo trực thuộc Đại học Y Juntendo (順天堂大学医学部附属順天堂医院)
1 bác sĩ nhiễm Covid-19. Hạn chế tiếp nhận bệnh nhân mới và điều trị ngoại trú để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Bệnh viện Đại học Y và Nha khoa Tokyo (東京医科歯科大学医学部附属病院)
2 nhân viên tại bệnh viện nhiễm Covid-19. 87 trường hợp tiếp xúc gần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Bệnh viện hạn chế hoạt động khám bệnh và cấp cứu.

Bệnh viện công lập Showa (公立昭和病院)
1 y tá bị nhiễm Covid-19. 28 trường hợp tiếp xúc gần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Bệnh viện hạn chế tiến hành một số phẫu thuật.

Trung tâm nghiên cứu ung thư Quốc gia Bệnh viện Chuo (国立がん研究センター中央病院)
3 y tá và 2 bác sĩ đã nhiễm Covid-19. Hiện tại bệnh viện đã mở lại hoạt động tiếp nhận bệnh nhân từ các cơ sở y tế đến khám kể từ ngày 14/4. 

Bệnh viện nghiên cứu ung thư (がん研有明病院)
1 y tá nhiễm Covid-19.

Bệnh viện Nerima Hikarigaoka (練馬光が丘病院)
9 y tá và bệnh nhân nội trú đã nhiễm Covid-19. 70 nhân viên ý tế và bệnh nhân đang chờ kết quả xét nghiệm PCR. Ngừng tiếp nhận bệnh nhân ngoại trú và cấp cứu.

Bệnh viện Kugayama (久我山病院)
8 bệnh nhân ở độ tuổi 80, 90 và 2 y tá dương tính với Covid-19. Bệnh viện đã dừng tiếp nhận bệnh viên mới và hoạt động cấp cứu.

Kanagawa

Khoa tâm thần Bệnh viện Soshu (相州病院)
7 bệnh nhân và 1 y tá nhiễm Covid-19.

Saitama

Bệnh viện đa khoa Kawaguchi (済生会川口総合病院) 
8 bác sĩ đã bị nhiễm Covid-19. Hiện đã tạm dừng điều trị ngoại trú, cấp cứu và dừng tiếp nhận bệnh nhân mới.

Gunma

Bệnh viện đa khoa Tonei (利根中央病院)
3 y tá trong tổng số 11 người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 có kết quả âm tính. Số còn lại đang được yêu cầu cách ly tại nhà. Bệnh viện tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân ngoại trú và cấp cứu.

Aichi

Bệnh viện Thành phố Hekinan (碧南市民病院)
1 bác sĩ và 4 y tá nhiễm Covid-19. 

Osaka

Bệnh viện Phục hồi chức năng Namihaya (Ikuno-ku) (なみはやリハビリテーション病院)
55 người bao gồm y tá và bệnh nhân đã nhiễm Covid-19

Bệnh viện Meijibashi (Matsubara) (明治橋病院)
8 người bao gồm nhân viên y tế và bệnh nhân đã nhiễm Covid-19

Bệnh viện Nanayama (Kumatori) (七山病院)
1 nhân viên y tế bị nhiễm và 2 bệnh nhân được xác nhận nhiễm Covid-19 đã tử vong.

*Không bệnh viện nào trong số 3 nơi trên là cơ sở tiếp nhận bệnh nhân nhiễm CoVid. Hiện tại, cả 3 bệnh viện đã ngừng cung cấp dịch vụ ngoại trú và cấp cứu.

Kobe

Trung tâm điều trị Bệnh viện đa khoa thành phố Kobe (神戸市立医療センター中央市民病院)
13 người nhiễm bao gồm bệnh nhân và các nhân viên bệnh viện. Hiện 200 nhân viên y tế của bệnh viện đang được yêu cầu cách ly tại nhà. Tạm dừng điều trị ngoại trú, cấp cứu và một số hoạt động phẫu thuật từ ngày 18/4. 

Fukuoka

Bệnh viện chữ thập đỏ Fukuoka (福岡赤十字病院)
1 bác sĩ nhiễm Covid-19.

Bệnh viện Fukuoka Tokushukai (福岡徳洲会病院)
5 người bao gồm bệnh nhân và y tá nhiễm Covid-19.

Ehime

Bệnh viện trung ương tỉnh Ehime (愛媛県立中央病院)
1 y tá nhiễm Covid-19

※Danh sách trên được tổng hợp từ các bài báo mạng đăng tải tính đến ngày 21/4/2020. Trên thực tế có thể còn nhiều hơn vì nhiều nơi chưa có kết quả xét nghiệm, nên những ai có dự định đi khám bệnh trong thời gian này cần tìm hiểu thông tin về địa điểm khám trên trang web chính thức hoặc liên hệ trực tiếp để được tư vấn.

Hệ thống y tế Nhật Bản có thể ứng phó nếu số người lây nhiễm tiếp tục gia tăng?

người đàn ông đeo khẩu trang trên tàu điện
Mirko Kuzmanovic/shutterstock.com

Mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi người dân hãy cố gắng ở nhà nhiều nhất có thể, khuyến khích các công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà, nhưng bạn có biết con số thực tế nhân viên làm việc tại nhà là bao nhiêu không? Có 18,9% các công ty, doanh nghiệp khuyến khích, 3,2% ra chỉ thị bắt buộc nhân viên làm việc tại nhà. Tuy nhiên, trên thực tế số nhân viên làm việc tại nhà chỉ chiếm con số vỏn vẹn 13,2%. Tại Tokyo, con số này cũng chỉ là 23,1%. Tại những khu trung tâm như Shibuya, hay Shinjuku có thể bạn thấy đường phố vắng không một bóng người vào cuối tuần, nhưng những chuyến tàu buổi sáng trong tuần thì không hề vắng như chúng ta nghĩ. Trước thực tế này khó có thể hy vọng sẽ hạn chế được nguy cơ lây nhiễm.

phòng bệnh tại Nhật
hxdbzxy / Shutterstock.com

Trong bối cảnh đó, hệ thống y tế Nhật Bản đang bộc lộ những yếu điểm như thiếu vật tư, trang thiết bị bảo hộ, giường bệnh và cả máy thở. Hiện tại Nhật Bản có 11,000 giường bệnh cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên cả nước. Theo một khảo sát của NHK, tính riêng tại Tokyo, số giường bệnh cho bệnh nhân Covid-19 là 2000 giường, tuy nhiên số người bệnh đã vượt xa con số trên. Ngoài ra, theo thông tin của Hiệp hội các bệnh hô hấp tại Nhật Bản, chỉ có 22,000 máy thở trên tổng số 126 triệu dân và tính đến cuối tháng 2 thì đã có khoảng 40% trong số đó đã được sử dụng. Chính phủ vẫn đang tiến hành các biện pháp để gia tăng cơ sở vật chất và các trang thiết bị, nhưng ở thời điểm hiện tại có thể nhìn thấy sự quá tải của hệ thống y tế tại nước này. 

Nhật Bản sẽ ra sao nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn?
Giáo sư Đại học Hokkaido, Hiroshi Nishiura trong đội ứng phó dịch bệnh của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã có một tuyên bố gây sốc khi nói rằng nếu không có các biện pháp ứng phó với sự lây lan của Covid-19, số bệnh nhân diễn biến nặng ở Nhật có thể lên đến 850,000 người và một nửa trong số họ có thể không qua khỏi.

Ảnh tiêu đề: Karolis Kavolelis/Shutterstock.com

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: