6 cách gửi hàng từ Nhật Bản về Việt Nam: đặc điểm, cách gửi, chi phí

Ngày nay, nhu cầu gửi hàng hóa về nước ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều hình thức vận chuyển để bạn lựa chọn. Nếu bạn chưa biết hình thức vận chuyển nào phù hợp với mình thì hãy tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn những cách gửi hàng hóa từ Nhật Bản về Việt Nam như EMS, SAL, vận chuyển qua đường hàng không, đường biển,… Mỗi hình thức vận chuyển đều được phân tích rõ những đặc điểm cũng như các ưu điểm, mặt hạn chế riêng để bạn có thể dễ dàng lựa chọn.

1. Gửi qua đường bưu điện EMS

Chắc hẳn các bạn đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản không còn quá xa lạ với dịch vụ chuyển phát qua đường bưu điện EMS (Express Mail Services) phải không nào? Đây là một loại dịch vụ nhận ký gửi và vận chuyển thư từ, tài liệu, các loại bưu phẩm, hàng hóa đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới phổ biến nhất hiện nay. EMS là dịch vụ vận chuyển hàng hóa quốc tế nhanh nhất với phương tiện vận chuyển là máy bay, hàng hoá được vận chuyển với mức độ ưu tiên cao nhất trong số các loại bưu chính quốc tế nên thời gian vận chuyển chỉ mất khoảng từ 2 đến 5 ngày.

Hàng hóa ký gửi qua dịch vụ EMS nặng tối đa 30kg với kích thước bưu phẩm có chiều dài, chiều rộng, chiều cao không vượt quá 1,5m và tổng chiều dài + chu vi lớn nhất không vượt quá 3m. Ưu điểm lớn nhất khi sử dụng dịch vụ của EMS chính là thủ tục đơn giản, nhanh gọn, giao hàng tận nơi, phạm vi dịch vụ rộng mà giá thành cũng rất phải chăng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một vài nhược điểm như giới hạn một số mặt hàng ký gửi như nước hoa và mỹ phẩm có độ cồn lớn hơn 24%,…

Gửi hàng qua đường bưu điện EMS
EMS|testing/ Shutterstock.com

Cách thức gửi hàng

Sau khi đã đóng hàng hóa, bạn cần mang đến quầy chuyển hàng của bưu điện, thông báo với nhân viên mình muốn sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng quốc tế EMS. Bạn sẽ được cung cấp hai loại giấy tờ báo cáo cần thiết liên quan đến thông tin người gửi hàng và người nhận hàng cũng như là những thủ tục khai thuế và danh mục đồ muốn chuyển về. Tham khảo hướng dẫn điền giấy tờ đăng ký dịch vụ vận chuyển qua đường bưu điện EMS tại đây. Sau khi hoàn thành các thủ tục giấy tờ, nhân viên bưu điện sẽ cân hàng, tính phí dịch vụ và tiến hành gửi hàng hóa về nước cho bạn. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể có thể đăng ký trên trang web để nhân viên bưu điện tới nhà nhận hàng hóa cần gửi. Trước tiên, bạn cần tạo tài khoản trên trang web của bưu điện tại đây. Sau khi đã hoàn thành đăng ký sử dụng dịch vụ vận chuyển, bạn chọn ngày, giờ mà bạn muốn nhân viên bưu điện tới. Đến ngày hẹn, nhân viên bưu điện sẽ đến nhà và cung cấp cho bạn một số giấy tờ cần điền để gửi hàng và cân hàng, tính phí chuyển đồ. Sau khoảng 1 tuần, người ở Việt Nam sẽ được thông báo nhận đồ và hoá đơn thanh toán tiền thuế.

Phí dịch vụ

Bảng chi phí dịch vụ vận chuyển qua EMS
Bảng chi phí dịch vụ vận chuyển qua EMS

2. Gửi qua đường biển

Cũng giống như phương thức gửi hàng qua EMS, vận chuyển qua đường biển cũng có quy định tương tự về trọng lượng và kích thước của hàng hóa ký gửi: nặng tối đa 30kg với kích thước bưu phẩm có chiều dài, chiều rộng, chiều cao không vượt quá 1,5m và tổng chiều dài + chu vi lớn nhất không vượt quá 3m. Đây là hình thức vận chuyển có chi phí rẻ nhất trong mọi hình thức vận chuyển nếu bạn gửi với số lượng lớn hàng hóa. Do lượng tàu biển không đông đúc như các phương tiện khác nên tình trạng thất lạc hàng hóa cũng xảy ra thấp hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vận chuyển qua đường biển cũng có một vài nhược điểm nhất định. Nếu người nhận sinh sống ở khu vực nông thôn, thị xã hay các tỉnh lẻ sẽ thường khó khăn trong việc nhận hàng. Ngoài ra, thời gian vận chuyển hàng khá lâu, thường mất khoảng 1 đến 3 tháng mà lại không thể kiểm tra xem hàng đang được vận chuyển tới đâu. Chính vì vậy, hình thức vận chuyển này không thích hợp đối với các loại giấy tờ quan trọng cần gửi nhanh hay những loại thực phẩm có thời hạn sử dụng ngắn, dễ bị hư hỏng khi có sự chênh lệch nhiệt độ. 

gửi hàng qua đường biển
Vận chuyển qua đường biển|Photomarine/ Shutterstock.com

Chưa kể, hàng hóa hay bị quăng quật, vì vậy, bạn chỉ nên gửi những món đồ như sách vở, giày dép, quần áo,… và tránh gửi những hàng hóa dễ vỡ. Bạn nên sử dụng giấy đóng hàng dày hơn bình thường hoặc bọc hàng nhiều lớp để tránh thùng hàng bị thủng hoặc rách trong lúc vận chuyển do thời gian gửi hàng khá lâu. Những hàng hóa lớn như đồ điện gia dụng, đồ nội thất,… để tránh va đập và hỏng hóc nên được bọc bằng những vật liệu lót cẩn thận. Đối với những hàng hóa thấm nước như sách, tài liệu,… nên đóng gói bằng vật liệu chống thấm nước tránh để hàng hóa bị ướt do ảnh hưởng thời tiết trong quá trình vận chuyển. 

Cách gửi hàng

Bạn có thể trực tiếp mang đồ tới bưu điện gần nhà để làm thủ tục gửi hàng. Sau khi đóng gói hàng hóa cẩn thận, bạn chỉ cần mang đến bưu điện rồi điền giấy tờ thông tin gửi đồ là xong. Tham khảo hướng dẫn điền giấy tờ đăng ký dịch vụ vận chuyển qua đường biển tại đây.

Tương tự như EMS, bạn cũng có thể đăng ký trên trang web để nhân viên bưu điện tới nhà nhận hàng hóa cần gửi. Nhân viên bưu điện sẽ đến nhà và cung cấp cho bạn một số giấy tờ cần điền để gửi hàng. Lưu ý là họ sẽ đưa cho bạn cả tờ đăng ký gửi hàng quốc tế thông thường và gửi qua đường bưu điện EMS. Bạn chỉ cần điền vào tờ gửi hàng quốc tế thông thường thôi nhé! Sau đó, nhân viên bưu điện tới để tiến hành cân đo, xác nhận thông tin và tính cước phí vận chuyển hàng hóa cho bạn.

Sau khi thanh toán, hàng hóa của bạn sẽ được gửi đi. Hình thức này phù hợp với những người cần gửi số lượng hàng hóa lớn hoặc những ai không muốn tự đem đồ đến bưu điện để gửi.

Phí dịch vụ

Bảng chi phí dịch vụ vận chuyển qua đường biển
Bảng chi phí dịch vụ vận chuyển qua đường biển

3. Gửi qua đường hàng không

Gửi qua đường hàng không cũng là một trong những hình thức vận chuyển khá phổ biến và được nhiều khách hàng lựa chọn. Ưu điểm lớn nhất của hình thức vận chuyển này chính là tốc độ vận chuyển khá nhanh, chỉ mất khoảng từ 3 đến 6 ngày. Hàng hóa ký gửi qua dịch vụ này nặng tối đa 30kg với kích thước bưu phẩm có chiều dài, chiều rộng, chiều cao không vượt quá 1,5m và tổng chiều dài + chu vi lớn nhất không vượt quá 3m. Ngoài ra, thủ tục đăng ký gửi hàng khá đơn giản, tương tự như hình thức gửi bằng đường biển.

Tuy nhiên, mặt hạn chế khi gửi hàng qua đường hàng không chính là phí dịch vụ cao do vận chuyển bằng máy bay, chi phí thường cao hơn so với EMS và đường biển. Bên cạnh đó, vận chuyển qua đường hàng không có quy định nghiêm ngặt về hàng hóa ký gửi so với đường biển nhằm đảm bảo an ninh và an toàn bay. Nhìn chung, hình thức vận chuyển này chỉ phù hợp với những hàng hóa có giá trị cao, cần giao hàng gấp. 

gửi hàng qua đường hàng không
Sundry Photography/ Shutterstock.com

Cách gửi hàng: Tương tự như hình thức vận chuyển bằng đường biển

Phí dịch vụ

Bảng chi phí dịch vụ vận chuyển qua đường hàng không
Bảng chi phí dịch vụ vận chuyển qua đường hàng không

4. Gửi qua đường hàng không tiết kiệm (SAL)

Hình thức gửi hàng qua đường hàng không tiết kiệm (SAL) là phương thức vận chuyển hàng hóa phiên bản rẻ hơn và chậm hơn của đường hàng không, sử dụng không gian trống còn lại trên các chuyến bay máy bay thương mại. Gửi hàng qua phương thức SAL cũng có quy định tương tự về kích thước và trọng lượng hàng hóa ký gửi như các hình thức vận chuyển trên. Thời gian vận chuyển của SAL mất khoảng từ 6 đến 13 ngày.

gửi hàng qua đường hàng không tiết kiệm SAL
Pierre-Yves Babelon/ Shutterstock.com

Cách gửi hàng: Tương tự như hình thức vận chuyển bằng đường biển

Phí dịch vụ

Bảng chi phí dịch vụ vận chuyển qua đường hàng không tiết kiệm (SAL)

5. International ePacket Light

International ePacket Light là hình thức vận chuyển hàng hóa quốc tế dành cho những bưu kiện có trọng lượng nhỏ (dưới 2kg với tổng chiều dài, chiều rộng và độ dày dưới 90cm) theo hình thức vận chuyển hàng không tiết kiệm SAL. Thời gian vận chuyển thông thường sẽ mất khoảng từ 2 đến 3 tuần.

gửi hàng qua International ePacket Light
fizkes/ Shutterstock.com

Cách gửi hàng

Đăng nhập hoặc đăng ký tài khoản bưu điện tại trang International Mail Service. Sau khi nhập thông tin gửi hàng cơ bản liên quan đến người nhận, người gửi, mặt hàng ký gửi,… bạn cần in nhãn International ePacket Light khổ giấy A4 và những loại giấy tờ cần thiết từ phần My Page trên trang web chính thức của bưu điện như sau:

(1) Một nhãn dán bưu kiện International ePacket Light, một bản copy giấy tờ khai báo từ phía người gửi và một bản sao cho bưu điện

(2) Tờ khai báo hải quan, hóa đơn Invoice và giấy chứng nhận giao hàng

Đựng tờ khai báo hải quan và hóa đơn Invoice trong một chiếc túi dành riêng cho dịch vụ  International ePacket Light. (Bạn có thể đăng ký nhận túi trên web hoặc nhận túi trực tiếp từ bưu điện). Mang hàng hóa và những tài liệu trên đến bưu điện để hoàn tất thủ tục gửi hàng qua dịch vụ International ePacket Light. 

Phí dịch vụ:

Bảng chi phí dịch vụ vận chuyển qua International ePacket Light

6. Gửi qua công ty vận chuyển quốc tế

Hiện nay, có rất nhiều công ty vận chuyển quốc tế như Yamato, Sagawa,… ra đời nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và giao thương quốc tế mà thời gian vận chuyển lại rất nhanh chóng. Đây là hình thức vận chuyển mà rất nhiều khách hàng yêu thích bởi thủ tục nhanh gọn, đơn giản, chất lượng phục vụ tốt và ít khi bị thất lạc hàng hóa. Tuy nhiên, chi phí gửi hàng lại khá cao so với các hình thức vận chuyển khác. 

Sau đây là thông tin về 2 trong số những công ty vận chuyển uy tín hàng đầu tại Nhật Bản – Sagawa và Yamato. Bạn có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ của 2 đơn vị này:

Sagawa

Sagawa là đơn vị vận chuyển hàng hóa quốc tế vô cùng uy tín, chuyên nghiệp. Không chỉ cung cấp dịch vụ vận chuyển toàn Nhật Bản, Sagawa còn cung cấp dịch vụ gửi hàng trên 220 quốc gia trên thế giới. Sử dụng dịch vụ của Sagawa, bạn không những có thể nhận thông báo cụ thể về hành trình vận chuyển hàng hóa của mình mà còn được cung cấp thùng đóng hàng miễn phí. Bên cạnh đó, nếu hàng hóa của bạn bị hỏng hóc hay thất lạc, Sagawa hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bồi thường 100% giá trị hàng hóa cho bạn. Dịch vụ vận chuyển của Sagawa áp dụng cho các bưu kiện có kích thước lên đến 260cm (tổng kích thước 3 mặt) và tối đa 50kg cho mỗi bưu kiện.

gửi hàng qua Dịch vụ vận chuyển Sagawa
StreetVJ/ Shutterstock.vom

Cách gửi hàng

Bạn sẽ cần phải cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ bao gồm tên, số điện thoại, địa chỉ, email của mình cũng như những thông tin về người nhận ở Việt Nam qua website của Sagawa hoặc gọi điện thoại trực tiếp. Nhân viên hỗ trợ khách hàng sẽ tư vấn cho bạn hình thức vận chuyển và mức phí dịch vụ. Sau khi đã xác nhận thông tin, nhân viên vận chuyển Sagawa sẽ đến nhà bạn lấy hàng, nhận thanh toán rồi gửi đi. 

Phí dịch vụ

Bảng chi phí dịch vụ vận chuyển quốc tế của Sagawa

Tham khảo trang web chính thức của Sagawa tại đây.

Yamato

Yamato là dịch vụ chuyển phát nhanh rất uy tín tại Nhật Bản. Không chỉ cung cấp dịch vụ vận chuyển nội địa, Yamato còn có cả dịch vụ vận chuyển quốc tế với phạm vi 200 quốc gia trên toàn thế giới. Sử dụng dịch vụ từ Yamato, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng rằng hàng hóa luôn giao đúng địa chỉ người nhận và đảm bảo chi phí phải chăng, mức phí càng rẻ nếu bạn gửi càng nhiều, cùng với thời gian giao hàng chính xác. Tuy nhiên, hàng hóa gửi Yamato chỉ có giới hạn dưới 25kg, kích thước giới hạn với tổng chiều dài, chiều rộng và chiều cao dưới 160cm.

gửi hàng qua dịch vụ vận chuyển Yamato
Rodrigo Reyes Marin/ Shutterstock.com

Cách gửi hàng

Bạn có thể trực tiếp đến nơi ủy quyền tiếp nhận của Yamato hay chuyển hàng tới Yamato qua combini với mức phí vận chuyển chỉ 100 yên/1 lần gửi. Ngoài ra, cùng như các phương thức gửi hàng khác, bạn có thể gọi điện đến trung tâm Yamato hoặc đăng ký trên trang web chính thức của Yamato để nhân viên đến nhà lấy hàng hóa cần gửi. Sau đó, bạn chỉ cần điền thông tin cá nhân bao gồm tên, số điện thoại, địa chỉ, email của mình cũng như những thông tin về người nhận ở Việt Nam vào giấy đăng ký là đã hoàn thành xong thủ tục gửi hàng. 

Phí dịch vụ

Bảng phí dịch vụ vận chuyển quốc tế của Yamato

Tham khảo trang web chính thức của Yamato tại đây.

Một vài lưu ý khi gửi hàng về Việt Nam từ Nhật

Không đơn giản như vận chuyển nội địa, gửi hàng đi nước ngoài có khá nhiều quy định và chính sách cần lưu ý về những mặt hàng không được phép gửi sang nước ngoài. Nếu là người mới bắt đầu sử dụng dịch vụ vận chuyển hoặc có ý định sẽ gửi hàng hóa về Việt Nam trong tương lai, chắc hẳn bạn không rõ đâu là những mặt hàng nào không được gửi đi nước ngoài phải không nào? Dưới đây là danh sách một số mặt hàng bị cấm vận chuyển qua đường hàng không, SAL và EMS:

  • Các sản phẩm thịt tươi sống, thực phẩm đông lạnh, hóa chất hoặc đồ điện tử có dung lượng pin lớn,… sẽ không được phép gửi qua đường hàng không.  
  • Các vật chứa chất nổ, vật liệu nổ, vũ khí quân dụng như bom, mìn, kíp nổ, dây cháy chậm, pháo hoa, pháo bông, pháo sáng và các loại chất nổ khác, các thiết bị báo động, pin ắc quy.
  • Các chất có cồn dễ cháy hoặc các chất lỏng dễ cháy hoặc các loại chất rắn, vật liệu, hóa chất dễ cháy. Lưu ý về nồng độ cồn trong những sản phẩm như nước hoa hay kem chống nắng và các loại mỹ phẩm.
  • Những mặt hàng có giá trị lớn như kim loại quý, phiếu chứng khoán,…
  • Ma túy, chất gây nghiện, chất kích thích là những mặt hàng bị nghiêm cấm vận chuyển bằng  mọi hình thức vận chuyển kể cả đường biển và đường hàng không dưới mọi hình thức 
  • Văn hóa phẩm đồi trụy cùng là loại hàng hóa này cũng không được vận chuyển bằng đường biển.

Mong rằng bài viết này sẽ cho bạn cái nhìn bao quát chung về những hình thức vận chuyển hàng hóa từ Nhật Bản về Việt Nam! Có rất nhiều phương thức vận chuyển hàng hóa khác nhau, hãy phương thức vận chuyển phù hợp nhất với mình nhé!

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé! 

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

2 Shares: