Thực trạng người lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản qua những số liệu thống kê

Trong những năm gần đây, số lượng người lao động nước ngoài đã tăng lên đáng kể trên khắp Nhật Bản, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Một phần trong số đó là du học sinh làm việc bán thời gian hay người định cư tại Nhật Bản với mục đích làm việc. Trong nội dung dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu về thực trạng người lao động nước ngoài tại Nhật Bản và tình hình xã hội Nhật Bản dựa trên số liệu thống kê đã được công bố chính thức. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin tham khảo hữu ích cho những người đang làm việc tại Nhật Bản cũng như những ai đang mong muốn đến Nhật làm việc.

Lao động nước ngoài là nguồn nhân lực không thể thiếu trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng tại Nhật Bản

công nhân lao động trong xưởng

Tỉ lệ sinh tại Nhật Bản đang giảm mạnh trong khi đó nhóm người cao tuổi ngày càng tăng nhanh. Theo dự đoán đến năm 2030, cứ 3 người dân Nhật sẽ có 1 người trên 65 tuổi. Điều này khiến cho việc thiếu hụt dân số trong độ tuổi lao động trở thành vấn đề nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nếu nhìn từ góc độ tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế trong thời buổi toàn cầu hóa như hiện nay thì việc gia tăng cơ hội việc làm cho người nước ngoài cũng sẽ được đẩy mạnh nhanh chóng.
Một trong những chính sách đã được thực hiện là luật nhập cảnh sửa đổi tháng 4 năm 2019, trong đó đề ra 2 tư cách lưu trú mới là “visa kĩ năng đặc định số 1” và “visa kĩ năng đặc định số 2”. Ngành nghề mục tiêu của loại visa mới này là 14 lĩnh vực nghề nghiệp đặc biệt đang thiếu hụt nguồn nhân lực trong nước. Đây là những công việc yêu cầu trình độ kĩ thuật nhất định, nhưng không nhất thiết phải có chuyên môn và trình độ cao cấp. Do đó, người nước ngoài cũng có thể tham gia làm việc trong các ngành nghề này.

Tuy nhiên, thực tế lại có rất nhiều vấn đề như sự phức tạp của thủ tục xin visa lao động để người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản, các nghiệp đoàn với chế độ lao động phân biệt đối xử người nước ngoài như trả cho họ mức lương rẻ mạt trong khi lại yêu cầu làm quá thời gian cho phép, hay những vấn đề phát sinh do sự khác biệt về văn hóa và giá trị quan.

Mặc dù vậy, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xu hướng trong tương lai khó có thể dự đoán, nhưng trong vài năm tới đây sẽ có rất nhiều sự kiện quốc tế lớn diễn ra như Olympic Tokyo 2021, Triển lãm quốc tế Osaka 2025,… Cùng với đó, các quốc gia và doanh nghiệp đang thúc đẩy toàn cầu hóa hơn nữa, và xu hướng tuyển dụng người lao động nước ngoài trong tương lai được dự đoán sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa. Thêm nữa, Nhật Bản đang hoàn chỉnh pháp lý để tạo môi trường thuận lợi, dễ làm việc hơn đối với người lao động nước ngoài.

Sau khi đã hiểu về thực trạng xã hội Nhật Bản, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn về tình hình người lao động nước ngoài làm việc tại Nhật qua những con số thống kê cụ thể dưới đây.

Số lượng người lao động nước ngoài tại Nhật Bản

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản về “Tình hình việc làm của người nước ngoài” (tính đến cuối tháng 10/2019), số người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản là 1.658.804. Con số này tăng 198.341 người, tăng 13,6% so với cùng kì năm trước; đánh dấu mức cao kỷ lục mới kể từ khi được yêu cầu báo cáo vào năm 2007. Nguyên nhân của việc này có thể là do chính phủ đang thúc đẩy việc tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài có kỹ năng cao và sinh viên quốc tế cũng như chấp nhận thực tập sinh kỹ năng thông qua việc thực hiện chính sách đào tạo thực tập kỹ thuật. Trong những năm gần đây, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp tiếp nhận lao động nước ngoài, và có vẻ như những tín hiệu tích cực đang bắt đầu xuất hiện.

Sự thay đổi số lượng lao động nước ngoài phân theo tư cách lưu trú
※1: Giá trị trong [ ] thể hiện mức thay đổi so với cùng kì năm trước.
※2: “Tư cách lưu trú trong lĩnh vực chuyên môn, kĩ thuật” bao gồm những đối tượng du học với mục đích lao động, nhà kinh doanh, kĩ sư, nhà nghiên cứu, đầu bếp chế biến món ăn nước ngoài, và kĩ năng đặc định,…
※3: “Tư cách lưu trú dựa trên địa vị xã hội” được căn cứ vào vị trí, địa vị người đó có được tại Nhật Bản, bao gồm người vĩnh trú tại Nhật và người gốc Nhật Bản.
※4: “Hoạt động đặc biệt” là các hoạt động do Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ định cho cá nhân công dân nước ngoài.
※5: “Hoạt động ngoài tư cách lưu trú” là những công việc khác với mục đích lưu trú ban đầu (trong 28 giờ/tuần theo quy định), chẳng hạn như công việc bán thời gian của du học sinh.

Ngoài ra, số lượng du học sinh quốc tế (của các trường đại học, cao học, cao đẳng, dạy nghề) ở lại Nhật làm việc sau khi tốt nghiệp là 14.493 người, chiếm 31,1% số lượng người tốt nghiệp/hoàn thành chương trình đào tạo (theo số liệu năm 2016). Tỉ lệ người lao động tăng lên mỗi năm, và có vẻ như Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã thành công trong việc hỗ trợ việc làm liên tục cho sinh viên nước ngoài.

Sự thay đổi số lượng sinh viên quốc tế tốt nghiệp từ bậc cao đẳng trở lên và số lượng sinh viên ở lại làm việc tại Nhật Bản

○Tỉ lệ sinh viên quốc tế tốt nghiệp các cơ sở đào tạo đại học và làm việc trong nước năm 2016

TổngSau đại học
(tiến sĩ)
Sau đại học
(thạc sĩ)
Đại học
(chuyên ngành)
Cao đẳngChuyên môn
31,1%19,4%34,2%41,8%49,2%28,0%
※Số liệu tổng bao gồm những sinh viên theo học chương trình sau đại học chuyên ngành, trường trung cấp chuyên nghiệp, chương trình đào tạo dự bị…

<Số lượng người và tỉ lệ theo bảng trên>
Đại học và Cao học: 8.610 người trong tổng số 23.946 người (chiếm 36,0%)
Cao đẳng: 221 người trong tổng số 449 người (chiếm 49,2%)
Trường chuyên môn: 5.532 người trong tổng số 19.727 người (chiếm 28,0%)

Đối với Nhật Bản – quốc gia đang tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và đổi mới, việc đảm bảo nhân công người nước ngoài và sinh viên nước ngoài ngày càng trở nên quan trọng hơn qua từng năm, và theo dự đoán những chính sách hỗ trợ việc làm cho người nước ngoài của chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục được thực hiện theo nhiều cách.

Số lượng lao động nước ngoài phân theo quốc tịch và tư cách lưu trú

1) Theo quốc tịch

Nếu nhìn từ góc độ quốc tịch thì người Trung Quốc ở Nhật Bản chiếm tỉ lệ đông nhất 418.327 người, chiếm 25,2% tổng số người lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Tiếp theo lần lượt là Việt Nam 401.326 người (chiếm 24,2%), Philippines 179.685 người (chiếm 10,8%).
Các quốc gia có dân số mức tăng mạnh tính theo cùng kì năm ngoái là Việt Nam tăng 84.486 người (+26,7%), Indonesia tăng 9.751 người (+23,4%), Nepal tăng 10.208 người (+12,5%). Do gần gũi về mặt vị trí địa lí nên đa phần người lao động nước ngoài ở Nhật Bản thường đến từ các nước châu Á.

Tỷ lệ lao động nước ngoài theo quốc tịch

2) Theo tư cách lưu trú

Nếu phân chia theo tư cách lưu trú thì “visa theo địa vị xã hội” của người vĩnh trú và người gốc Nhật chiếm 32,1% tổng số người lao động nước ngoài, tiếp theo là “visa thực tập kĩ năng” chiếm 23,1%, “visa hoạt động ngoài tư cách lưu trú” bao gồm cả “visa hoạt động ngoài tư cách lưu trú (du học)” chiếm 22,5% và “tư cách lưu trú trong lĩnh vực chuyên môn, kĩ thuật (bao gồm Kỹ sư/ Trí thức/ Nghiệp vụ quốc tế)” chiếm 19,8%.
Trong đó, “visa thực tập kĩ năng” là 383.978 người, tăng 75.489 người (+24,5%), “visa tư cách lưu trú trong lĩnh vực chuyên môn, kĩ thuật” là 329.034 người, tăng 52.264 người (+18,9%) so với cùng kì năm trước.

Chính sách thực tập kĩ năng được thực thi nhằm mục đích tiếp nhận người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản, vừa làm việc, vừa học hỏi kiến thức và công nghệ để sau đó đưa trở lại áp dụng tại đất nước mình. Trong những năm gần đây, chính sách tiếp nhận này ngày càng được củng cố bởi sự cải cách của luật thực tập kĩ năng và luật nhập cảnh sửa đổi đối với từng quốc gia.

Tỷ lệ lao động nước ngoài phân theo tư cách lưu trú

Địa điểm lưu trú nào tại Nhật Bản được người lao động nước ngoài yêu thích lựa chọn?

Nếu nhìn số liệu lượng người lao động nước ngoài phân bố theo tỉnh thành phố thì 3 địa điểm dẫn đầu là Tokyo với 485.345 người (chiếm 29,3%), Aichi với 175.119 người (chiếm 10,6%) và Osaka 105.379 người (6,4%). Qua đó có thể thấy các thứ hạng cao thuộc về các thành phố lớn tập trung đông người sinh sống.
Mặt khác, nếu xem xét dựa trên tốc độ gia tăng số người nước ngoài đến sinh sống thì 3 tỉnh đứng đầu là Nara với 5.563 người (tăng 35,2% so với cùng kì năm trước), Okinawa 10.314 người (tăng 26,7%) và Aomori là 3.901 người (tăng 24,4% ).

So sánh 10 vị trí đứng đầu của tỉnh thành phố có lượng lao động nước ngoài cao nhất và tỉnh thành phố có mức độ tăng cao nhất thì kết quả hoàn toàn không trùng lặp. Nói cách khác, có thể thấy rằng khu vực có lượng lao động nước ngoài cao không có sự biến động lớn về số lượng, mà là số lượng đang tăng lên ở các khu vực có lượng lao động nước ngoài thấp. Nếu xu hướng này tiếp diễn trong tương lai, lao động nước ngoài có khả năng sẽ xuất hiện trong phạm vi rộng trên toàn quốc, nên đây có thể là cơ hội cho những ai muốn làm việc ở các vùng nông thôn xa thành thị.

Số lượng lao động nước ngoài phân theo khu vực

Ngành nghề được nhiều người lao động nước ngoài lựa chọn

Những ai muốn làm việc tại Nhật Bản có thể rất quan tâm đến nội dung công việc sẽ làm.
Số lượng người lao động nước ngoài tại Nhật Bản phân chia theo ngành nghề có vị trí lần lượt là “ngành Sản xuất” 20,4%, “ngành Bán buôn và bán lẻ” 17,4% “ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống” 14,2%,… Tỉ lệ phần trăm của từng ngành cho thấy “ngành sản xuất” giảm 1,0% so với cùng kì năm ngoái, “ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống” giảm 0,3%. Trong khi đó, “ngành Bán buôn và bán lẻ” tăng 0,4% và “ngành Xây dựng” tăng 1,3%.

Đối với các công việc cụ thể, ngoài ngành bán lẻ (cửa hàng tiện lợi,…) và cửa hàng ăn uống thì nhân lực làm việc trong những ngành theo xu thế thời đại như ngành liên quan đến IT (kĩ sư,…) hay điều dưỡng cũng đang tăng lên. Ngoài ra, nếu bạn là người bản ngữ nói tiếng Anh thì công việc giảng dạy tiếng Anh phát huy ngôn ngữ mẹ đẻ của chính mình vẫn luôn là công việc được ưa chuộng từ xưa đến nay.

Tỷ lệ các cơ sở tuyển dụng lao động nước ngoài phân theo ngành sản xuất

Số lượng lao động nước ngoài phân chia theo quy mô công ty

Xét theo phân chia số lượng lao động nước ngoài theo quy mô công ty thì công ty quy mô “dưới 30 người” chiếm tỉ lệ đông nhất 59,8% trên tổng số các công ty doanh nghiệp. Số lượng người lao động nước ngoài ở mọi quy mô công ty đều tăng, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô “dưới 30 người” có tốc độ tăng lớn nhất 14,0% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể nhận thấy nhờ sửa đổi những chính sách về lao động nước ngoài, phong trào tuyển dụng lao động nước ngoài đang lan rộng không chỉ ở các công ty lớn mà còn ở các doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Tỷ lệ các cơ sở tuyển dụng lao động
nước ngoài phân theo quy mô

Nhật Bản có thực sự thiếu lao động? Tỷ lệ thất nghiệp gần đây tại Nhật Bản

Ở những quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp trong nước cao, người lao động nước ngoài thường rất khó xin visa. Do đó, sự dịch chuyển của con số tỉ lệ thất nghiệp trong thời gian gần là chỉ tiêu rất quan trọng khi tìm kiếm việc làm ở nước khác.

Tỉ lệ thất nghiệp của Nhật Bản tương đối thấp, chỉ khoảng 2% từ năm 2018 đến tháng 2 năm 2020. Tuy nhiên, tình hình việc làm từ tháng 3 năm 2020 đang xấu đi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉ lệ thất nghiệp tháng 6 (số liệu khảo sát theo mùa) là 2,8%, cao nhất trong 3 năm kể từ tháng 5 năm 2017 (3,1%).

●Tỉ lệ thất nghiệp hàng tháng (việc làm thời vụ)
Tháng 3/2020: 2,5%
Tháng 4/2020: 2,6%
Tháng 5/2020: 2,9%
Tháng 6/2020: 2,8%

Theo công bố của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản vào ngày 31/7/2020, tỉ lệ người tìm việc thành công (số liệu khảo sát của việc làm thời vụ) là 1,11 lần, giảm 0,09 điểm so với tháng trước. Kể từ tháng 10/2014, con số này lần đầu tiên giảm dưới mức tiêu chuẩn sau 5 năm 8 tháng. Kinh tế sẽ tiếp tục trì trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu nhân lực trong các ngành như sản xuất, dịch vụ đời sống, giải trí, dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng sẽ tiếp tục giảm.

Các nhà chuyên môn dự đoán rằng tỉ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên cho đến khi dịch bệnh kết thúc và người nước ngoài sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm tại Nhật Bản. Những người đang tìm việc hay muốn chuyển việc ở Nhật có lẽ nên tham khảo sự thay đổi của tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ người tìm việc thành công và đưa ra các giải pháp như kéo dài thời gian tìm việc hay hướng đến những ngành nghề ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Kết luận

bắt tay

Tại Nhật Bản, số lượng lao động nước ngoài tiếp tục tăng lên qua từng năm, và chính phủ đang thúc đẩy việc xây dựng các chính sách để hỗ trợ điều này. Cũng giống như đội tuyển quốc gia tham dự World Cup Bóng bầu dục, nhiều người Nhật bắt đầu hình thành suy nghĩ về sự huy hoàng của những người có chung văn hóa và tư tưởng cho dù khác quốc tịch.

Hy vọng sau khi đọc bài viết này bạn sẽ có thêm động lực để tìm kiếm một cơ hội việc làm tại Nhật Bản. Khi đó, chúng tôi tin chắc rằng bạn sẽ nhận được rất nhiều thứ khi làm việc tại Nhật, như trải nghiệm giao lưu với người dân địa phương và khám phá văn hóa cuộc sống ở Nhật. Nhật Bản đang chờ bạn nỗ lực và tỏa sáng. Và bạn cũng hãy tận dụng triệt để những thông tin về cuộc sống tại Nhật Bản được chúng tôi chia sẻ trên trang tsunagu Local để hiểu hơn về cuộc sống tại đất nước xinh đẹp này nhé.

<Tham khảo>
■Bộ Y tế, Lao động, Phúc lợi: Báo cáo tình hình việc làm của người nước ngoài (thời điểm cuối tháng 10/2019)
https://www.mhlw.go.jp/stf/newpage_09109.html
■Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ: Báo cáo xúc tiến việc làm cho sinh viên quốc tế
https://www.jetro.go.jp/ext_images/jetro/activities/support/ryugakusei/pdf/report_20190228/9.pdf
■Cục thống kê, Bộ Nội vụ: Điều tra lực lượng lao động (thống kê cơ bản)
https://www.stat.go.jp/data/roudou/sokuhou/tsuki/index.html

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

0 Shares: